Khởi kiện vụ án dân sự theo luật tố tụng dân sự năm 2015

06/01/2022 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy

Vụ án dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay đó là các tranh chấp nảy sinh từ các quan hệ hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại, đất đai, nhà ở và các quan hệ dân sinh trong đời sống xã hội. Việc các chủ thể của những quan hệ đó có tranh chấp và được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước giải quyết được gọi là các vụ án dân sự. Các tranh chấp dân sự được coi là vụ án dân sự khi có chủ thể trong quan hệ tranh chấp đó đưa vấn đề tranh chấp ra trước tòa án để được giải quyết đó gọi là “khởi kiện”. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích thế nào là khởi kiện, các quy định của pháp luật về khởi kiện và thẩm quyền giải quyết việc khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Khởi kiện theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) bao gồm khởi kiện của người khởi kiện (khởi kiện của nguyên đơn), khởi kiện của bị đơn (trong trường hợp có yêu cầu phản tố) và khởi kiện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong trường hợp có yêu cầu độc lập). Vậy, khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước.

1) Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự:

- Thứ nhất: Điều kiện về chủ thể khởi kiện

Để khởi kiện vụ án dân sự, chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Đây là điều kiện đầu tiên phải xác định khi đương sự thực hiện việc khởi kiện (điểm a khoản 1 điều 192 BLTTDS năm 2015).

Người khởi kiện phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đất đai, nhà ở (sau đây gọi tắt là dân sự). Về nguyên tắc, quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự chỉ có được khi chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật nội dung: Quan hệ dân sự, hôn nhân gian đình, kinh doanh thương mại, lao động, đất đai, nhà ở (viết tắt là quan hệ dân sự). Chủ thể không có quyền, lợi ích dân sự, không có quyền khởi kiện trừ một số trường hợp ngoại lệ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mặt dù người khởi kiện có quyền, lợi ích dân sự nhưng quyền, lợi ích đó không hoặc chưa bị xâm phạm thì cũng chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự.

Về nguyên tắc, chỉ có cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền, lợi ích bị xâm phạm mới có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền hay lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách, trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật quy định quyền khởi kiện của các cá nhân, cơ quan, tổ chức gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện trong trường hợp cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

- Thứ hai: Vụ án phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án

Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Việc xác định thẩm quyền là một điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động bình thường và hợp lý của bộ máy nhà nước. Đồng thời, việc phân định thẩm quyền giữa các tòa án cũng góp phần cho các tòa án thực hiện đúng nhiệm vụ và người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện. Thẩm quyền của tòa án được xác định một cách chính xác sẽ tránh được sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ của tòa án, góp phần giải quyết đúng đắn, tạo điều kiện cho các đương sự tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Để vụ án dân sự được thụ lý, đơn khởi kiện phải gửi đến đúng tòa án có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể: Vụ án mà chủ thể khởi kiện thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của tòa án quy định tại các điều 26, 28, 32 BLTTDS năm 2015; vụ việc được khởi kiện phải đúng với cấp tòa án có thẩm quyền quy định tại các điều 35, 36, 37, 38 BLTTDS năm 2015; Vụ việc được khởi kiện đúng thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ quy định tại điều 39 BLTTDS năm 2015; trường hợp người khởi kiện có quyền lựa chọn tòa án theo quy định tại điều 40 BLTTDS năm 2015 thì yêu cầu đương sự cam kết không khởi kiện tại các tòa án khác. Nếu do thỏa thuận lựa chọn tòa án giải quyết thì phải kiểm tra tính hợp pháp của thỏa thuận; đối với những việc pháp luật quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án khi các cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó.

Khi xác định thẩm quyền, tòa án cũng phải xác định đó là loại tranh chấp nào (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại hay lao động…) để vào sổ thụ lý loại án đúng với quy định. Việc xác định này có ý nghĩa rất lớn khi xác định các quy phạm pháp luật nội dung để áp dụng. Chẳng hạn, nếu đó là tranh chấp đất đai thì sẽ áp dụng các quy định trong luật đất đai, bộ luật dân sự để giải quyết hoặc nếu tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì sẽ áp dụng luật thương mại, luật doanh nghiệp để giải quyết.

- Thứ ba: Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà các chủ thể có quyền khởi kiện được quyền yêu cầu tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động để bảo vệ quyền, lợi ích bị xâm phạm. Hết thời hạn đó thì chủ thể khởi kiện mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định tại điều 185 BLTTDS năm 2015, riêng đối với yêu cầu hoàn trả lại tài sản thuộc sở hữu nhà nước, yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Quy định thời hiệu khởi kiện góp phần quan trọng vào việc ổn định các quan hệ kinh tế - xã hội, hạn chế việc lạm dụng quyền khởi kiện. Tùy thuộc vào tính chất của mỗi loại tranh chấp mà pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện.

Trên thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan mà việc khởi kiện không được thực hiện trong thời hạn quy định. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, pháp luật quy định không tính vào thời hiệu khởi kiện khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng; trở ngại khách quan; người có quyền khởi kiện chưa thành niên, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện; người đại diện của họ bị chết mà chưa có người thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện (điều 186 BLTTDS năm 2015).

- Thứ tư: Sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật

Nếu sự việc đã được tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện lại đối với vụ án đó nữa, trừ những trường hợp: Bản án, quyết định của tòa án bác đơn xin ly hôn; yêu cầu xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại; yêu cầu thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ; vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà tòa án chưa chấp nhận yêu cầu; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều 192, điểm c khoản 1 điều 217 của bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật (khoản 1 điều 193 BLTTDS năm 2015) thì đương sự có quyền khởi kiện lại.

Tòa án chỉ được thụ lý giải quyết bằng bản án, quyết định của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật. Điều kiện này nhằm đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định, sự ổn định của các quan hệ xã hội, một việc đã được giải quyết thì không giải quyết lại nữa để tránh tình trạng chồng chéo cũng một sự việc mà nhiều cơ quan giải quyết và tránh việc kéo dài việc khiếu kiện của đương sự.

2) Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự:

Đây là thời hạn chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều 184 BLTTDS năm 2015 đã quy định rất cụ thể về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự: “(1) Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của bộ luật dân sự; (2) Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu áp dụng, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.

BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng dẫn chiếu tới các quy định tương ứng của bộ luật dân sự. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện ở một số điều luật cụ thể như: Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự là 3 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (điều 429); thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích của mình hợp pháp bị xâm phạm (điều 588; BLDS năm 2005 qui định thời hiệu khởi kiện cho hai loại tranh chấp trên là 2 năm); thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản (khoản 1, điều 623 BLTTDS năm 2015); thời hiệu đối với yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm (khoản 2, điều 623  BLTTDS năm 2015); thời hiệu đối với yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (khoản 3, điều 623 BLTTDS năm 2015); thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó (điều 671 BLTTDS năm 2015).

Bên cạnh đó, tại một số luật và bộ luật cũng đã quy định rất cụ thể về thời hiệu khởi kiện dân sự. Chẳng hạn như: Điều 169 luật hàng hải Việt Nam quy định thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa là 1 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng; điều 195 luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 2 năm, kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm…

BLTTDS năm 2015 đã bỏ qui định tại khoản 3, khoản 4 điều 159 BLTTDS năm 2004 được sửa đổi bổ sung năm 2011, đó là: Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau: “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện; tranh chấp không thuộc những trường hợp quy định trên thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều luật cụ thể quy định về thời hiệu khởi kiện, bộ luật dân sự năm 2015 quy định về những trường hợp không áp dụng thời hiệu tại điều 155: “Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai; trường hợp khác do luật quy định”.

3) Về thẩm quyền giải quyết việc khởi kiện vụ án dân sự:

- Thứ nhất: Thẩm quyền giải quyết việc khởi kiện vụ án dân sự theo vụ việc

Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp sau: Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân; tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản; tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự; tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp về thừa kế tài sản; tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính; tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai, tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của luật bảo vệ và phát triển rừng; tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí; tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Tòa dân sự có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại như: Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; tranh chấp về cấp dưỡng; tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật; các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty; tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty; các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định; tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết; tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm: Tranh chấp về học nghề, tập nghề; tranh chấp về cho thuê lại lao động; tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn; tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp; các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

- Thứ hai: Thẩm quyền giải quyết việc khởi kiện vụ án dân sự theo cấp

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của tòa án theo cấp huyện:

Các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.

Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp dưới đây nhưng không có yếu tố nước ngoài (đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài).

Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại điều 26 và điều 28 của BLTTDS năm 2015, trừ tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính; tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 điều 30 của BLTTDS năm 2015; tranh chấp về lao động quy định tại điều 32 của BLTTDS năm 2015.

Thẩm quyền của các tòa án chuyên trách tòa án nhân dân cấp huyện: Tòa dân sự tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại điều 35 của BLTTDS năm 2015; tòa gia đình và người chưa thành niên tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại điều 35 của BLTTDS năm 2015; đối với tòa án nhân dân cấp huyện chưa có tòa chuyên trách thì chánh án tòa án có trách nhiệm tổ chức công tác xét xử và phân công thẩm phán giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện.

Thẩm quyền của tòa án chuyên trách nhân dân cấp tỉnh:

Tòa dân sự tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại điều 38 của BLTTDS năm 2015; giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của bộ luật này.

Tòa gia đình và người chưa thành niên tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại điều 38  BLTTDS năm 2015; giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định hôn nhân và gia đình chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của BLTTDS năm 2015.

Tòa kinh tế tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại điều 38 BLTTDS năm 2015; giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của BLTTDS năm 2015.

Tòa lao động tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại điều 38 BLTTDS năm 2015; giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của BLTTDS năm 2015.

- Thứ ba: Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của tòa án theo lãnh thổ

Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 BLTTDS năm 2015.

Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của BLTTDS năm 2015; đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp vụ án dân sự đã được tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của BLTTDS năm 2015 về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ thì phải được tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.

- Thứ tư: Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau: Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.

(http://www.moj.gov.vn)

Bài cùng chuyên mục
Back to top