Không thể vì con vi phạm mà buộc tội bố mẹ

13/08/2021 - Đăng bởi : Xuân Thủy Lê

Hiện không có một cơ quan chuyên môn nào chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác hậu kiểm trong khi mọi cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực mà doanh nghiệp tiến hành kinh doanh đều có chức năng hậu kiểm, bà Trần Thị Hồng Minh, cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ kế hoạch và đầu tư, chia sẻ.

Ý kiến của bà như thế nào khi có quan điểm cho rằng việc đăng ký kinh doanh quá dễ đã kéo theo hiện tượng nhiều cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi?

Nhận định như trên là chưa thực sự hiểu rạch ròi về bản chất công tác đăng ký kinh doanh và công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Thứ nhất, việc đăng ký doanh nghiệp hoàn toàn khác với việc cấp phép, tức là cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền “cho”. Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh đã được hiến pháp quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ ghi nhận ý chí, nguyện vọng tham gia vào thị trường của doanh nghiệp.

Nếu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, gần giống như mọi đứa trẻ đều có quyền được khai sinh.

Thứ hai, doanh nghiệp là chủ thể gây ra hành vi vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Có thể so sánh như thế này, không thể vì con phạm tội mà buộc tội bố, mẹ đã sinh ra người con đó.

Nguyên tắc này đã trở thành nguyên tắc cốt lõi trong đăng ký doanh nghiệp được cụ thể hóa từ nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp và tiếp tục được quy định tại nghị định 78/2015/NĐ-CP, đó là: “Người thành lập doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp là nhằm tạo điều kiện cho số đông các doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn, kinh doanh chân chính, muốn tạo công ăn việc làm và thu nhập chính đáng cho người lao động.

Việc các doanh nghiệp lợi dụng cơ chế, sự thuận lợi để vi phạm pháp luật chỉ là số nhỏ và sẽ luôn đặt ra những yêu cầu, thách thức để cơ quan quản lý phải hoàn thiện hơn công tác “hậu kiểm”, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nhiệm vụ này.

Đang có những vấn đề gì trong công tác “hậu kiểm” hiện nay, thưa bà?

Công tác “hậu kiểm” từ lâu đã được đặt ra với nhiều thách thức lớn. Trước hết đó là sự phối hợp triển khai và tính sẵn sàng của các cơ quan quản lý trong thực hiện nhiệm vụ “hậu kiểm”.

Ngoài ra, việc hậu kiểm còn liên quan đến ý thức tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp tham gia vào thị trường.

Mặt khác, cùng với sự tăng trưởng nhanh về số lượng doanh nghiệp qua các năm, các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng tăng mạnh, cả về số lượng và mức độ vi phạm, gây không ít tác động tiêu cực về nhiều mặt đối với đời sống xã hội và đặt ra những đòi hỏi mới về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau thành lập.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi phương thức quản lý để phù hợp với nền kinh tế thị trường, kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp để hạn chế khả năng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.

Vậy theo bà, làm thế nào để đảm bảo công tác hậu kiểm thời gian tới có hiệu quả?

Như tôi đã nói, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau thành lập được quy định tại luật doanh nghiệp 2014 trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương.

Như vậy, không có một cơ quan chuyên môn nào chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác hậu kiểm. Mọi cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực mà doanh nghiệp tiến hành kinh doanh đều có chức năng hậu kiểm.

Để làm tốt nhiệm vụ này, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhận thức rõ trách nhiệm, phạm vi trách nhiệm trong công tác hậu kiểm của mình, phối hợp tốt với các cơ quan khác như cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, công an, …

Các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định pháp luật trong các lĩnh vực đó; xây dựng quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình để doanh nghiệp vừa thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo trật tự an toàn xã hội và không xâm phạm lợi ích của bên thứ ba; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Còn tại các địa phương thì như thế nào thưa bà?

Tại địa phương, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, pháp luật về hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo tại địa phương cũng cần mở rộng đối thoại với doanh nghiệp, trực tiếp ghi nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp về những vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập hoặc kiến nghị lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kịp thời khắc phục, xử lý.

Một biện pháp hết sức quan trọng khác đó là huy động sự tham gia của xã hội và của các chủ thể khác trong quản lý, giám sát doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Vai trò giám sát của bên thứ ba bao gồm các chủ nợ và bạn hàng, hiệp hội người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, hội nghề nghiệp và công luận cũng đóng vai trò hỗ trợ các cơ quan nhà nước bảo vệ lợi ích trước hết của từng chủ thể và sau đó là lợi ích chung của toàn xã hội.

Cơ chế “hậu kiểm” sẽ phát huy được đầy đủ tác dụng khi việc giám sát sự tuân thủ pháp luật hay tình trạng hoạt động thực tế của doanh nghiệp có sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng xã hội chứ không phải chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước.

(Thời báo kinh kế Việt Nam)

Bài cùng chuyên mục
Back to top