Kiến nghị nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án lớn

18/09/2021 - Đăng bởi : Xuân Thủy Lê

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng diễn biến khá phức tạp. Dưới sự chỉ đạo của ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, ban nội chính trung ương và lãnh đạo các bộ, ngành trong khối nội chính, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, trong vài năm trở lại đây, kết quả đấu tranh với các tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng có chuyển biến rất tích cực, số vụ án về kinh tế, chức vụ và tham nhũng được phát hiện, xử lý nhiều hơn, thời hạn giải quyết nhanh hơn, việc xử lý nghiêm minh, triệt để hơn và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng cũng tốt hơn, được dư luận xã hội đánh giá cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử (nếu tính thiệt hại từ 100 tỷ đồng trở lên có 24 vụ). Một số vụ điển hình như:

- Vụ Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm – Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về cho vay... (23 bị cáo), thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng, án đã xét xử;

- Vụ Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (8 bị cáo), thiệt hại 718 tỷ đồng, án đã xét xử;

- Vụ Phạm Thị Bích Lương và các đồng phạm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ... xảy ra tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Nam Hà Nội, (khởi tố 26 bị can), thiệt hại hơn 3.800 tỷ đồng, vụ án đã kết thúc điều tra;

- Vụ Phạm Công Danh - Nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam và các đồng phạm có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng (đã khởi tố 9 bị can, án đang điều tra);

- Vụ Hà Văn Thắm - Nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương, vi phạm quy định về cho vay gây thiệt hại trên 500 tỷ đồng (án mới khởi tố);

- Vụ Trần Quốc Đông và một số cán bộ thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận lại từ nhà thầu JTC (Nhật Bản) tổng số tiền khoảng 16 tỷ đồng (đã khởi tố 5 bị can, chuẩn bị kết thúc điều tra);

- Vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines (10 bị cáo), án đã xét xử;

- Vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm phạm các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (11 bị cáo), án đã xét xử;

- Vụ án Vũ Việt Hùng và đồng phạm nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông và Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (13 bị cáo), án đã xét xử.

Thông qua việc giải quyết các vụ tội phạm kinh tế, chức vụ và tham nhũng lớn trong thời gian vừa qua đã góp phần:

- Làm rõ xu hướng phạm tội, phương thức thủ đoạn của tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng trong giai đoạn hiện nay; các tội phạm này có tính chất lũng đoạn nền kinh tế; gây hậu quả đặc biệt lớn; từ đó kịp thời ngăn chặn, răn đe, cảnh báo phòng ngừa.

- Làm rõ những bất cập, những sơ hở trong cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý kinh tế, kiến nghị, đề xuất Đảng và nhà nước kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện để nền kinh tế phát triển lành mạnh, đúng hướng, góp phần đảm bảo đường lối đổi mới của Đảng thành công... (năm 2014 thông qua giải quyết các vụ án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có báo cáo chủ tịch nước và kiến nghị thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam có biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong các lĩnh vực này).

- Góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân; lòng tin của các nhà đầu tư, các nhà tài trợ nước ngoài vào đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước ta; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trên con đường phát triển đi lên của đất nước.

Những thuận lợi trong việc giải quyết các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng:

- Các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cũng như ban nội chính trung ương và địa phương như định kỳ nghe kết quả giải quyết, cử cán bộ nắm và đôn đốc về tiến độ; điều phối mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc quan điểm giữa các ngành, các cấp...

- Các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, quốc hội và các cơ quan của quốc hội, các đoàn đại biểu quốc hội, mặt trận tổ quốc các cấp, các cơ quan báo chí và quần chúng nhân dân thường xuyên quan tâm động viên và giám sát.

- Lãnh đạo các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương tích cực phối hợp chỉ đạo sát sao, cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi.

Những khó khăn hạn chế trong việc giải quyết các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng:

- Đây là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, quy mô đặc biệt lớn, phức tạp, đối tượng phạm tội có trình độ cao nên việc điều tra thường gặp nhiều khó khăn. Trong các vụ án này khối lượng công việc phải giám định, định giá lớn, phức tạp nên thời gian giám định phải kéo dài, nhiều vụ phải phải giám định bổ sung hoặc giám định lại, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra.

- Một số vụ án liên quan đến yếu tố nước ngoài phải chờ kết quả ủy thác tư pháp từ nước ngoài với thời gian dài; việc dịch thuật cũng phải mất nhiều thời gian và kinh phí.

- Quy định của bộ luật hình sự về tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng còn nhiều bất cập, nhiều quy định trở nên lạc hậu, chưa có hướng dẫn cụ thể; pháp luật về quản lý kinh tế của nước ta hiện nay cũng còn nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh hoặc không phù hợp với thực tiễn cuộc sống nên rất khó khăn trong việc áp dụng khi xử lý tội phạm.

- Các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng thường được dư luận quan tâm; có những vụ án việc giải quyết vụ án chứa đựng các yếu tố chính trị, kinh tế, ngoại giao... do vậy cũng tạo nên áp lực lớn cho các cơ quan và người tiến hành tố tụng.

- Các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng thường đòi hỏi phải có lực lượng điều tra viên, kiểm sát viên đủ số lượng và giỏi về nghiệp vụ, nhưng thực tế chưa đáp ứng được.

Một số giải pháp và kiến nghị:

Lãnh đạo viện kiểm sát các cấp, các đơn vị nghiệp vụ cần xác định đúng tầm quan trọng của việc giải quyết các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ, tham nhũng để có sự tập trung chỉ đạo. Ngay từ ban đầu cần thực hiện tốt việc phê chuẩn các quyết định tố tụng một cách chặt chẽ để hạn chế oan, sai và cũng giúp việc điều tra sau đó được thuận lợi, dễ dàng hơn. Cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của kiểm sát viên phải bám sát tiến độ điều tra, cập nhật nghiên cứu tài liệu điều tra để kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra sát, đúng trong quá trình điều tra, bảo đảm việc truy tố có căn cứ, đúng pháp luật.

Các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ, tham nhũng thường là các vụ án phức tạp, dễ xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, cần có sự xem xét đánh giá thận trọng, tăng cường trao đổi, nâng cao trình độ chuyên môn. Sau mỗi vụ án cần tổ chức rút kinh nghiệm để việc giải quyết các vụ án sau được tốt hơn. Đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, xét xử, những trường hợp có đơn kêu oan cần được đặc biệt quan tâm.

Tăng cường quan hệ phối hợp giữa viện kiểm sát với cơ quan điều tra, các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm toán trong phát hiện, xử lý tội phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tòa án các cấp trong điều tra, xét xử tội phạm. Phối hợp tốt giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao với viện kiểm sát nhân dân, tòa án các địa phương được ủy quyền thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo trong ngành kiểm sát nhân dân; báo cáo cấp ủy Đảng, ban nội chính cấp tỉnh, ban nội chính trung ương, ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng; những vụ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp cần báo cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước để có sự chỉ đạo kịp thời các vụ án này, đảm bảo các yếu tố pháp lý, nghiệp vụ, chính trị…

Cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ tại các đơn vị có nhiệm vụ chủ chốt trong giải quyết các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng để điều chỉnh, bổ sung đủ số lượng, tăng cường chất lượng. Mặt khác các đơn vị cần tăng cường đào tạo, tự đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức để đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay. Để giải quyết tốt các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng người cán bộ cần có hai tố chất cơ bản là trí tuệ và bản lĩnh.

Đề nghị lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật hoặc có sự phân công cho các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ tư pháp với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng bộ luật hình sự phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương hướng dẫn việc áp dụng các quy định của bộ luật hình sự về các tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng (vì các tội phạm này hiện nay nhiều vướng mắc mà việc hướng dẫn cũng gặp nhiều vướng mắc trong quan điểm giữa các ngành, nhất là sau khi có hiến pháp năm 2013). Về chính sách hình sự đối với tội phạm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng cần được quan tâm đúng mức trong quá trình sửa đổi, bổ sung bộ luật hình sự năm 1999, bảo đảm phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế, thực tiễn đất nước trong giai đoạn hiện nay; phù hợp với công ước của liên hợp quốc về chống tham nhũng, nhất là việc xử lý những hành vi liên quan trong lĩnh vực tư nhân (không có vốn nhà nước); các quy định cần cụ thể, dễ áp dụng.

Đề nghị lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng và ban nội chính trung ương có sự phân định rõ hơn về quan điểm chỉ đạo xử lý giữa các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng với các vụ án lớn nhưng thuần túy là vi phạm về chế độ quản lý kinh tế, vì mỗi loại án có yêu cầu chỉ đạo khác nhau (chẳng hạn tư tưởng chỉ đạo xử lý án liên quan đến tham nhũng là phải cương quyết, nghiêm khắc, triệt để vì đây là quốc nạn. Nhưng các vụ án thuần túy vi phạm chế độ quản lý kinh tế, không có động cơ vụ lợi cá nhân và có nguyên nhân, điều kiện từ sự chưa hoàn thiện, chưa rõ ràng của hệ thống pháp luật trong điều kiện đất nước đang trong quá trình đổi mới cơ chế... thì quan điểm xử lý cần linh hoạt, chủ yếu để chấn chỉnh đối tượng vi phạm đi đúng đường ray pháp luật và phát triển tốt hơn… chứ không đến mức phải nghiêm khắc, quyết liệt như xử lý án tham nhũng vì có vụ có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn khác. Việc xử lý một số vụ án lớn về kinh tế vừa qua bên cạnh mặt tích cực, cũng có những vụ có tác động tiêu cực khá nặng nề đến nền kinh tế (ví dụ việc rớt giá cổ phiếu, thiệt hại tới hàng ngàn tỷ đồng của một số doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng) khi nhân sự cấp cao bị khởi tố, bắt tạm giam... nên cần sự chỉ đạo chặt chẽ hơn trong lựa chọn biện pháp xử lý, thời điểm xử lý, các giải pháp ứng phó để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhất là trong điều kiện hệ thống doanh nghiệp, nền tảng của nền kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn.

(www.vksndtc.gov.vn)

Bài cùng chuyên mục
Back to top