05/02/2022 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy
Khi tham gia giao dịch ký kết hợp đồng trong hoạt động thương mại các doanh nghiệp có quyền lựa chọn tổ chức tài phán là trọng tài thương mại hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp phát sinh. Tòa án hỗ trợ trọng tài thương mại để hoạt động của trọng tài thuận lợi, mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp.
1/ Quyền lựa chọn cơ quan tài phán của doanh nghiệp:
Theo quy định pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp có quyền lựa chọn cơ quan tài phán trong hoạt động kinh doanh thương mại. Cụ thể, khi tham gia giao dịch ký kết hợp đồng trong hoạt động thương mại các doanh nghiệp có quyền lựa chọn tổ chức tài phán là trọng tài thương mại hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Điều 6 luật trọng tài thương mại quy định, tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài như sau: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”.
Khoản 5 điều 30 bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gồm: “Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.
Khi các doanh nghiệp lựa chọn trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp thì phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành (khoản 5 điều 61 luật trọng tài thương mại).
Một câu hỏi mà các doanh nghiệp thường nêu ra là nên chọn cơ quan tài phán tòa án hay trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp nhằm có lợi cho mình nhất? Mỗi một thủ tục tố tụng đều có ưu và khuyết điểm, doanh nghiệp tùy thuộc vào mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh thương mại với từng đối tác cụ thể sẽ có những lựa chọn thích hợp.
Có thể thấy những điểm tương đồng và khác biệt giữa tố tụng trọng tài và tòa án là:
- Trọng tài thương mại chỉ giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại với điều kiện các bên có thỏa thuận trọng tài; nếu các bên không có thỏa thuận trọng tài, tòa án có thẩm quyền đương nhiên giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xét xử kín.
Trọng tài giải quyết tranh chấp nhanh (phán quyết trọng tài là chung thẩm). Tòa án giải quyết chậm, phải bảo đảm 2 cấp xét xử là sơ thẩm, phúc thẩm thậm chí giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Điểm giống nhau của cả hai thủ tục tố tụng trọng tài thương mại và tòa án là các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài và hội đồng xét xử có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình giải quyết tranh chấp.
2/ Sự hỗ trợ của tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại:
a) Xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của hội đồng trọng tài (điều 43 luật trọng tài thương mại):
Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của luật trọng tài thương mại. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện hội đồng trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có thể khiếu nại với hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm xem xét, quyết định.
Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của hội đồng trọng tài các bên có quyền khiếu nại quyết định của hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của hội đồng trọng tài đến tòa án có thẩm quyền.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, chánh án tòa án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khiếu nại. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét, quyết định. Quyết định của tòa án là cuối cùng.
Lưu ý: Trong khi tòa án giải quyết đơn khiếu nại, hội đồng trọng tài vẫn có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp (khoản 5 điều 44 luật trọng tài thương mại).
b) Tòa án hỗ trợ hội đồng trọng tài trong việc thu thập chứng cứ:
Trong trường hợp hội đồng trọng tài đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị tòa án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp.
Trình tự hỗ trợ được thực hiện như sau:
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, đơn yêu cầu thu thập chứng cứ của hội đồng trọng tài, chánh án tòa án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết yêu cầu thu thập chứng cứ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho tòa án và gửi văn bản đó cho viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, tòa án phải thông báo cho hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết để tiến hành việc giao nhận chứng cứ.
c) Tòa án hỗ trợ trọng tài trong việc triệu tập người làm chứng đến phiên họp của hội đồng trọng tài:
Trường hợp người làm chứng đã được hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì hội đồng trọng tài gửi văn bản đề nghị tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của hội đồng trọng tài.
Trình tự hỗ trợ được thực hiện như sau:
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị triệu tập người làm chứng của hội đồng trọng tài, chánh án tòa án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết yêu cầu triệu tập người làm chứng.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải ra quyết định triệu tập người làm chứng. Tòa án phải gửi ngay quyết định này cho hội đồng trọng tài, người làm chứng đồng thời gửi cho viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Người làm chứng có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thi hành quyết định của tòa án.
d) Sự hỗ trợ của tòa án đối với hoạt động trọng tài trong áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Khoản 1 điều 48 luật trọng tài thương mại quy định: “Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài, tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Việc yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục của tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện như sau:
Sau khi nộp đơn khởi kiện, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, một bên có quyền làm đơn gửi đến tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chánh án tòa án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét, quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.
Lưu ý: Nếu một bên có quyền yêu cầu tòa án thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc phân công thẩm phán xem xét giải quyết đơn yêu cầu thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 53 luật trọng tài thương mại. Nghĩa là sau khi tòa án nhận được đơn yêu cầu tòa án thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời chánh án tòa án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết (có thể phân công cho thẩm phán đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời).
Trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án thực hiện theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự (chương VIII từ điều 111 đến điều 142 bộ luật tố tụng dân sự 2015).
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mà lại có đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tòa án phải từ chối và trả lại đơn yêu cầu, trừ trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài.
Do đó, để thụ lý đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ cho hoạt động trọng tài, tòa án yêu cầu các bên đương sự (nguyên đơn hoặc bị đơn tham gia tố tụng trọng tài) cung cấp cho tòa án biên lai thụ lý đơn kiện của một trọng tài thương mại; trọng tài thương mại có văn bản xác nhận đương sự không có đơn yêu cầu hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Vấn đề đặt ra, đối với trọng tài thương mại nước ngoài có hoặc không có địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam, nếu trong quá trình giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại nước ngoài có một bên có đơn yêu cầu tòa án Việt Nam áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ hoạt động của trọng tài thương mại nước ngoài thì tòa án có hỗ trợ hay không?
Theo ý kiến cá nhân của tôi, căn cứ vào khoản 1 điều 48 luật tố tụng thương mại thì tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ hoạt động của trọng tài thương mại nước ngoài, kể cả trọng tài thương mại nước ngoài có hoặc không có địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.
e) Tòa án hỗ trợ trọng tài trong việc chỉ định trọng tài viên thành lập hội đồng trọng tài vụ việc:
Trình tự hỗ trợ như sau:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn phải chọn trọng tài viên và thông báo cho nguyên đơn biết trọng tài viên mà mình chọn. Hết thời hạn này, nếu bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên trọng tài viên mà mình chọn và các bên không có thỏa thuận khác về việc chỉ định trọng tài viên thì nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên cho bị đơn.
Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn thì các bị đơn phải thống nhất chọn trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo. Hết thời hạn này, nếu các bị đơn không chọn được trọng tài viên và nếu các bên không có thỏa thuận khác về việc chỉ định trọng tài viên, thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên cho các bị đơn.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được tòa án chỉ định, các trọng tài viên bầu một trọng tài viên khác làm chủ tịch hội đồng trọng tài. Trong trường hợp không bầu được chủ tịch hội đồng trọng tài và các bên không có thỏa thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền chỉ định chủ tịch hội đồng trọng tài.
Trong trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, nếu các bên không có thỏa thuận yêu cầu một trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên duy nhất.
Phan Gia Quý - Nguyên chánh tòa kinh tế TAND TPHCM.
(Tạp chí TAND - 27/2/2018)