Văn, thơ, tục ngữ, ca dao bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

02/11/2024 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy

Loạt bài “giá trị của văn, thơ, tục ngữ, ca dao để bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong các bài viết của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" của tác giả Hồng Thanh đăng trên Báo an ninh Hải Phòng đã đoạt giải khuyến khích giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa Liềm Vàng) lần thứ VIII năm 2023. Ban tổ chức giải Búa Liềm Vàng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cán bộ, đảng viên, nhân dân Việt Nam thường xuyên theo dõi, đón đọc các bài viết, bài phát biểu, sách của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những tác phẩm này chứa đựng những tư tưởng chỉ đạo lớn của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam nhưng lại cực kỳ dễ hiểu, dễ nhớ, thấm sâu vào lòng người, có tính lan tỏa, tác động sâu sắc. Và điều vô cùng đặc biệt là đồng chí tổng bí thư luôn đưa vào các bài viết, bài phát biểu của mình những đoạn văn, câu thơ, nhất là tục ngữ, ca dao Việt Nam. Bởi thế, cho dù những vấn đề tổng bí thư đề cập tới cực kỳ lớn lao, rất sâu sắc, trí tuệ, liên quan tới chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh đến xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, đối ngoại…, nhưng lại vô cùng gần gũi, mộc mạc, giản dị. Nhiều ý kiến cho rằng, chính những câu văn, thơ, ca dao, tục ngữ được đồng chí tổng bí thư vận dụng nhuần nhuyễn không chỉ nâng tầm các bài viết mà còn là cách truyền đạt, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách sinh động, hấp dẫn, mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người nghe, người xem, người đọc.

Bài 1: Ứng dụng văn, thơ, ca dao, tục ngữ trong các bài viết về xây dựng đảng.

Viết về công tác xây dựng Đảng luôn được coi là khô, khó, khổ, nhất là khi những vấn đề được đề cập liên quan tới bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; về tư tưởng, chính trị; tổ chức cán bộ; kiểm tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thế nhưng, dưới ngòi bút của đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, những bài viết trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ đọc, dễ hiểu. Ngoài trí tuệ anh minh, bút pháp sắc sảo, có được điều đó là nhờ những áng văn, câu thơ, nhất là các bài viết, câu nói, lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh; ca dao, tục ngữ Việt Nam được đồng chí tổng bí thư vận dụng, rất ý nghĩa và vô cùng thấm thía, sâu sắc.

Cán bộ là gốc của mọi công việc

Trong các bài viết, bài phát biểu của mình, đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn đề gợi mở, định hướng và đưa ra nhiều giải pháp có giá trị quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, đồng chí tổng bí thư đặc biệt chú trọng tới công tác cán bộ và sử dụng nhiều áng văn, thơ, ca dao, tục ngữ để nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên luôn kiên định lý tưởng của Đảng, trung thành với Đảng và giữ mình trong sạch, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, trọng trách được giao.

Trong bài viết: “Cái làm nên uy tín đảng viên” đăng trên Tạp chí cộng sản số tháng 2/1990, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã viết: Có biết bao bài thơ ca ngợi hết lời phẩm chất và khí phách của người cộng sản. Nhiều người đã khao khát ước mơ: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!”. Mộc mạc, giản dị vậy thôi nhưng đã đủ nói lên phẩm chất, khí phách của người cộng sản, của cán bộ, đảng viên, “cái gốc của mọi công việc” của Đảng.

Trong bài: “Chức vụ và uy tín” đăng trên Tạp chí cộng sản số tháng 2/1984, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng khéo léo vận dụng thơ, ca để nhắc nhở cán bộ phải giữ được uy tín của mình, càng có chức vụ càng phải giữ uy tín. Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, “uy tín không phải tự nhiên mà có. Nó phải là kết quả của sự phấn đấu và rèn luyện gian khổ, bền bỉ của bản thân mỗi người. Một người lãnh đạo, bằng hành động thực tế của mình, chứng tỏ được rằng mình thật sự có phẩm chất và tài năng thì hữu xạ tự nhiên hương”, tự nhiên họ sẽ được quần chúng tin yêu, kính trọng và tín nhiệm.

Trái lại, một người nào đó nếu không gương mẫu, chỉ nói không làm, lời nói không đi đôi với việc làm, không nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, không đảm đương nổi nhiệm vụ được giao, thậm chí còn lợi dụng chức quyền làm điều sai trái, thì dù họ có nắm giữ chức vụ gì, dù họ có tự đề cao bao nhiêu, có được người này người khác tán tụng như thế nào, họ cũng vẫn không thể có uy tín”.

Đồng chí dẫn lời dạy của Lênin: “Người lãnh đạo cần phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ”; dẫn lời căn dặn của Hồ Chủ Tịch: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Còn liên quan đến uy tín chung của tập thể, của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói, chỉ cần một phút thiếu cảnh giác với mình, buông thả mình là có thể phạm sai lầm lớn, làm mất uy tín của mình, làm hại thanh danh của Đảng. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng!”

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban chấp hành trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021

Nói về tinh thần tự phê bình và phê bình, trong bài “tăng cường xây dựng Đảng. Yếu tố quan trọng công việc xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đăng trên Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số tháng 3/2008, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề cập: “Bây giờ liên hệ trong từng chi bộ, từng con người xem tính chiến đấu đã đủ mức chưa. Nói là tự phê bình và phê bình chứ vẫn ca ngợi nhau là chính, chưa nhìn thẳng vào sự thật, chưa dám nói thẳng, cũng e dè, nể nang với trăm thứ lý do, nhất là sợ bị trù dập, cho nên cứ bùng nhùng thế thôi, đúng không bảo vệ, sai không dám đấu tranh, “quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật”.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dẫn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Con cá, chột nưa”: “Ăn đi vài con cá; dăm bảy cái chột nưa; có ai biết ai ngờ; thế vẫn tròn danh dự” và nhắc nhở, đấu tranh với chính mình là rất gian khổ. Trong điều kiện hiện nay, cán bộ, đảng viên đi công tác nước ngoài khắp mọi nơi, ai quản lý, ai biết; giao dịch với nước ngoài ai biết, làm sao để không bị co kéo, mua chuộc? Trong xây dựng cơ bản, trong mua sắm, biết bao nhiêu thứ phết, phẩy, phần trăm, những thứ không thành văn. Vậy làm sao để không bị cám dỗ, không bị sa ngã? Cho nên phải làm sao để có tính chiến đấu, chiến thắng được mọi thứ cám dỗ trong từng công việc một.

Về xây dựng Đảng, theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng là vấn đề rất khó, “vì vừa phải xây dựng tổ chức, vừa phải xây dựng con người. Mà con người, thì như Goócki nói: “Hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao”. Nhưng con người, như tục ngữ ta nói cũng đủ thứ, ta biết con người là thế nào rồi, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”. Nhìn người khác thấy khuyết điểm thì rất rõ, nhìn khuyết điểm của chính mình thì rất khó; nhìn mình bao giờ cũng thấy hay hơn, giỏi hơn người khác, nhưng lại bị thiệt hơn người khác; còn người khác thì kém mình mà lại được hưởng hơn mình, cho nên mới có những tâm tư này khác, mặc dù cũng có tâm tư chính đáng, nguyện vọng chính đáng”. Những câu thơ tục ngữ vận dụng trong trường hợp này thật sâu sắc và thấm thía.

Chỉ rõ những thói hư, tật xấu của một bộ phận cán bộ đảng viên

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng khéo léo vận dụng thơ, văn để chỉ rõ những thói hư, tật xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phát biểu kết luận tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa 11 “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 27/29/2012, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói: “Bây giờ các đồng chí có biết ca dao, hò vè người ta nói gì không? Chắc là biết, nghe nhiều hơn tôi: “Họp thì có người ghi, đi thì có người chở, ở thì có người chăm, nằm thì có người bóp...”. Nói với nhau rồi cười cho vui, nhưng nghe nó đau xót lắm, đụng đến một cái gì rất thiêng liêng. Đó là phẩm chất đạo đức chứ còn gì nữa”.

Vấn đề đánh giá, bố trí cán bộ, nghị quyết chỉ ra là một số trường hợp chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, lãnh đạo. Có không? Tại sao người ta nói chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy thi đua, chạy dự án... Hỏi chạy ai? Ai chạy? Bây giờ, thưa các đồng chí nghe rất là đau, rất nặng nề. Đã thành câu vè nhiều năm nay: “Đi nặng thì về nặng, đi nhẹ thì về nhẹ, đi không thì về không”. Nó là thế nào? Trong công tác cán bộ thì “thứ nhất là quan hệ, thứ nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ, thứ tư mới đến trí tuệ”. Nó là cái gì?”

Trong bài: “Một sự thật nhức nhối” đăng trên Tạp chí cộng sản số tháng 10/1987, đồng chí Nguyễn Phú Trọng dùng tục ngữ, ca dao để đả phá thói xa hoa, lãng phí.  “Tục ngữ ta có câu: “Miệng ăn núi lở”, “mưa dầm lâu cũng lụt” mà “đã lụt thì lụt cả làng”. Một nền kinh tế dù có vững vàng bao nhiêu, sản xuất đã phát triển như thế nào, nhưng nếu không tiết kiệm, cứ tiêu dùng hoang phí thì chẳng khác nào “gió vào nhà trống”, rốt cuộc của cải “vào lỗ hà ra lỗ hổng”, làm bao nhiêu tay không vẫn hoàn tay không”. Từ đó, đồng chí viết: “Những người tự bỏ tiền túi của mình ra để tiêu xài lãng phí trong lúc đất nước còn nghèo và có nhiều khó khăn đã là thật nhẫn tâm, rất đáng phê phán. Những người lấy tiền của nhà nước, của tập thể để chi dùng quá mức cho cuộc sống riêng của mình càng cần phải bị nghiêm khắc phê phán và tùy trường hợp phải bị xử lý thích đáng”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị cán bộ toàn quốc

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng dùng rất đắt các câu tục ngữ để chỉ thói “móc ngoặc” (trong bài móc ngoặc đăng trên Tạp chí cộng sản, số tháng 8/1978). Đó là: “Tôi - anh, anh - tôi, “ăn miếng chả ta giả miếng bùi”, nghĩa là “có đi có lại”, cấu kết với nhau làm sai phép nước. Thủ đoạn thường thấy của những người móc ngoặc là bắt đầu “lót tay”, biếu xén, “thả con săn sắt” để chuẩn bị “bắt con cá rô”. Và trong quan hệ với nhau theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Cũng có người biết móc ngoặc là sai, là vi phạm chế độ, nguyên tắc quản lý của nhà nước, nhưng vì thấy có người khác làm nhất thời “có lợi”, cho nên... “cũng liều nhắm mắt đưa chân”.

Từ đó nói lên đạo lý của cha ông “vật khinh tình trọng”, giúp nhau vô tư trong sáng, vì tình vì nghĩa mới lâu bền và gắn kết tình thân; đừng để “há miệng mắc quai”, trói buộc một số người, làm cho việc chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước không nghiêm, không triệt để. Bài viết này dù mấy chục năm đã trôi qua vẫn giữ nguyên giá trị.

Có thể nói, tất cả các bài viết của đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về cán bộ, công tác cán bộ đều nhất quán quan điểm: Rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa. Suy cho cùng, mọi thành bại đều do con người và tất nhiên sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên. Mỗi câu văn, thơ, tục ngữ, ca dao đưa vào bài đều mang những hàm ý sâu sắc ấy.

Bài 2: Đấu tranh không khoan nhượng với tệ tham nhũng, tiêu cực

Những bài viết của đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta là đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đây là những vấn đề có tính chất lý luận và thực tiễn rất quan trọng, là “bó đuốc” soi đường cho công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân. Và thật diệu kỳ, ngay cả trong những bài viết có tính chất “đanh thép” ấy, thơ, văn, tục ngữ, ca dao vẫn được vận dụng một cách nhuần nhuyễn với nhiều ý nghĩa sâu sắc, thâm thúy.

Thường xuyên tự răn mình

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, “tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Như vậy, về bản chất, nói một cách nôm na, dễ hiểu như chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”.

Do đó, mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn”.

Trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn đi nhấn lại nhiều lần là phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đồng chí nêu rõ: Hàng loạt cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng, tá bị khởi tố trong các vụ án vừa qua là tại ai, tại cái gì? Tại cơ chế hay tại mình không chịu tu dưỡng, rèn luyện? Đây là bài học rất đau xót, cho nên mọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện tiêu cực, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực; danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Nếu ai chẳng may đã “nhúng chàm” thì cần tự giác báo cáo với tổ chức, chủ động khắc phục hậu quả gây ra để được khoan hồng không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; có bệnh phải chữa ngay, không “nuôi ung thành họa”.

Thành ủy Hải Phòng tổ chức quán triệt và giới thiệu tác phẩm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn ai hết, phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” và làm cho bằng được; ngược lại, “việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Thành ủy Hải Phòng tổ chức quán triệt và giới thiệu tác phẩm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đồng chí tổng bí thư mong muốn: Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cha ông ta đã dạy: “Thiện căn ở tại lòng ta/chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; “có tài mà cậy chi tài/chữ tài liền với chữ tai một vần!”. Tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê/lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; “cấp trên ở chẳng chính ngôi/cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tháng 6/ 2023

Đặc biệt, đồng chí tổng bí thư chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”. Thật là sâu sắc và thấm thía.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022, đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chẳng mấy khi được dự một hội nghị có quy mô lớn với nội dung rất quan trọng và có ý nghĩa về nhiều mặt như thế này; lại được gặp mặt thân mật và trang trọng với hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở tất cả các cấp từ trung ương đến cơ sở trong cả nước, tôi rất vinh dự, xúc động và muốn giãi bầy một đôi điều có tính chất tâm sự, tâm tình thêm bằng cách nhắc lại một câu nói đầy ấn tượng và rất sâu sắc của nhân vật Pa-ven Coóc-xa-ghin, nhân vật chính trong tác phẩm "thép đã tôi thế đấy" của nhà văn nổi tiếng Liên Xô Ni-cô-lai Ốt-xtơ-rốp-xky, một cuốn sách "gối đầu giường" của lớp thanh niên cỡ tuổi chúng tôi thời những năm 1959 - 1960.

Đại ý thế này: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân!”. Đây thật sự là những lời gan ruột, chạm tới trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam.

Tại hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, ngày 15/9/2021, đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sử dụng nhiều câu thơ, tục ngữ để nói lên tư tưởng, chỉ đạo của mình.  Đồng chí tổng bí thư nói, chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): “Trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, “cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng”...; không có cái kiểu “nhà kia lỗi phép con khinh bố/mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” như cụ Tú Xương đã từng phê phán; như thế là một gia đình vô phúc. Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có “nội quy”; một tổ chức, đoàn thể phải có “quy chế”, có “điều lệ”... Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân, cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước. Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính”.

Từ đó, để bảo đảm kỷ cương, phép nước, đồng chí tổng bí thư chỉ đạo phải có sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan nội chính với nhau và với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở quy định của Đảng, nhà nước; bảo đảm “đúng vai, thuộc bài”, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”… Cần hết sức tránh tình trạng làm hình thức, theo kiểu “phong trào”, được chăng hay chớ, lúc đầu thì rầm rộ, nhưng sau thì cứ nguội lạnh dần, “đầu voi đuôi chuột”.

Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng ở đây không có nghĩa là “dĩ hòa vi quý”, nhân nhượng, thỏa hiệp vô nguyên tắc, cùng bỏ qua sai phạm của nhau, mà phải gắn liền với thực hiện kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, khắc phục tình trạng cục bộ, “phép vua thua lệ làng”, thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc.

Luôn biết lấy dân làm gốc

Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở phải luôn tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc.

Trong bài: “Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, bài học lịch sử vô giá” đăng trên Tạp chí cộng sản số tháng 2/1987, đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết: “Chúng ta đều biết, tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. Ngay từ thế kỷ 15, mặc dù còn bị hạn chế bởi thời đại lịch sử, nhưng nhìn vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã rút ra được những kinh nghiệm quan trọng có tính quy luật: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại.

Theo ông, sở dĩ triều hậu Trần suy vong là do các vua quan hậu Trần không thực hiện đúng chính sách “thân dân”, không làm theo lời căn dặn của Trần Hưng Đạo “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ “mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”. Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”. Có như vậy, mới giúp quần chúng yên tâm và phấn khởi sản xuất, công tác. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ thường căn dặn: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên!”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tháng 6/2023.

Cũng trong bài nói chuyện với các cơ quan nội chính, đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: Trong mọi công việc, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh “dân là gốc”, “phải gần dân, giúp dân, học dân”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các cơ quan nội chính phải luôn luôn đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết yêu cầu công việc của dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, dựa vào nhân dân, “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Đặc biệt, bản thân mỗi cán bộ ngành nội chính phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào, bất kỳ sự cám dỗ, mua chuộc nào; thực sự công tâm, khách quan “phụng công thủ pháp”, chí công vô tư; phải là những “Bao Công” trong thời đại mới “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, nhà nước và chế độ, thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để “thanh bảo kiếm” luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên “bọc đường”.

Đồng chi tổng bí thư một lần nữa nhắc lại: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Rõ ràng, quan điểm nhất quán, không khoan nhượng với tệ tham nhũng, tiêu cực trong các bài viết, bài phát biểu của đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng càng có thêm sức nặng bởi các câu văn, thơ, ca dao, tục ngữ được sử dụng rất “đắt”, thấm sâu vào lòng người và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Bài 3: Phát huy giá trị văn hóa, con người

Đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng viết: “Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”; “trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp”… Bởi vậy, trong nhiều bài viết của mình, đồng chí tổng bí thư luôn nhấn mạnh phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam và trong các bài viết này, văn, thơ, tục ngữ, ca dao được đồng chí Nguyễn Phú Trọng sử dụng khá đậm nét, khẳng định vốn quý của dân tộc và coi đó cũng chính là một trong những nguồn lực quan trọng để thể hiện, bảo vệ  nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Văn hóa còn thì dân tộc còn

Trong bài phát biểu với tiêu đề: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tại hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng coi văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Sau 75 năm nay (từ ngày 24/11/1946) mới lại có hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này. Vì thế, bài phát biểu của đồng chí tổng bí thư có rất nhiều câu thơ, tục ngữ, ca dao… nhằm góp phần làm rõ nền văn hóa Việt Nam, hồn cốt của dân tộc Việt Nam.

Cụ thể, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng ca dao, tục ngữ để nói về việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.

Đó là những câu như: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"; "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "thương người như thể thương thân"; "lá lành đùm lá rách"; "lá rách ít đùm lá rách nhiều"; "một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"; "kính lão đắc thọ"; "kính già, già để tuổi cho"; "anh em như thể chân tay"; "kính trên nhường dưới"; "vợ ta đói rách ta thương, vợ người áo gấm xông hương mặc người"; "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông"; "đói cho sạch, rách cho thơm"; "thật thà là cha quỷ quái"; "tôn sư trọng đạo"; "lời chào cao hơn mâm cỗ"; "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"; giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "chân quê" (bài thơ của Nguyễn Bính năm 1936); giữ lấy tình nghĩa thủy chung son sắt (bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu năm 1954)...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước và các đại biểu dự hội nghị văn hóa toàn quốc

Trong bài phát biểu tại hội nghị đối ngoại toàn quốc, ngày 14/12/2021, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng khéo léo dẫn các câu thơ để nói lên đường lối đối ngoại độc đáo, có bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; mở nền muôn thủa thái bình!" ("Bình ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi); dẫn lời chủ tịch Hồ Chí Minh "phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ" để biết mình, biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn, nước láng giềng; luôn luôn phải "biết mình, biết người," "biết thời, biết thế" để "cương nhu kết hợp" vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.

Đồng chí tổng bí thư nhấn mạnh về trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam," "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" ("thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!"), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, "tùy cơ ứng biến," "lạt mềm buộc chặt". Những câu như: "Dĩ bất biến ứng vạn biến," "thêm bạn bớt thù," "mang chuông đi đánh xứ người"… cũng được đồng chí tổng bí thư sử dụng hợp lý, nêu bật quan điểm đối ngoại của Việt Nam.

Không chỉ có vậy, trong các bài phát biểu về phát triển kinh tế xã hội, đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng nhiều áng văn, bài thơ để nói lên sức mạnh của từng vùng, miền.

Như tại hội nghị toàn quốc ngày 29/11/2022 quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ chính trị khóa 13 về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Hồng, đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nói đến vùng đồng bằng sông Hồng là chúng ta cũng tự hào nói đến vùng đất châu thổ sông Hồng rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, có truyền thống lịch sử, cách mạng, anh hùng, rất vẻ vang; có nền văn hoá lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hoá sông Hồng, nền văn minh lúa nước với vô vàn những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể quý giá, nhất là những làn điệu dân ca lay động làm say đắm lòng người, nuôi dưỡng, nâng cao tâm hồn và trí tuệ con người, rất đa dạng, phong phú mà hầu như địa phương nào cũng có (quan họ Bắc Ninh; chèo Thái Bình, Hưng Yên; chầu văn Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình; tiếng đàn bầu rất độc đáo "cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha", có sức hút ghê gớm, đến mức phải khuyên nhau: Đàn bầu ai gẩy thì nghe, làm thân con gái chớ có nghe đàn bầu!"...).

Ngay từ năm 1907, danh nhân văn hóa Ngô Quý Siêu, thành viên của "phong trào đông kinh nghĩa thục" đã từng viết trong bài thơ về đồng bằng sông Hồng: "Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, An Quảng gần quanh Hải Phòng; tiện thay sông Nhị một dòng; thuyền xuôi lại ngược, giàu lòng thảnh thơi; Tản viên, Tam Đảo ngất trời; rừng ngang một dải liền mười sáu châu; Đồng Tụ Long, thiếc Sông Ngâu; tiền rừng, bạc biển, chẳng đâu sánh bằng!". Với cách dẫn dắt ấy, đồng chí tổng bí thư đã thổi bùng lên khát vọng cống hiến, phát triển của người dân vùng đồng bằng sông Hồng.

Còn tại hội nghị  triển khai nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí tổng bí thư nhấn mạnh về đức tính quý báu của người dân nơi đây: Cần cù, chịu thương, chịu khó; tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, kiên cường, bất khuất vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bất trắc trong cuộc sống do thiên tai, địch họa gây ra, đúng như nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu đã khắc hoạ trong bài thơ "nước non ngàn dặm": "Con người như dãy Trường Sơn; vững chân bám trụ, chẳng sờn gian lao; sống hiên ngang, sống thanh cao; quê hương, biết mấy tự hào lòng ta!". Hay như nhà thơ Hoàng My Na đã viết trong bài thơ "mời anh về miền Trung": "Miền Trung yêu dấu ta ơi; từ trong gian khó càng ngời sáng hơn; nắng mưa dẫu có thất thường; nâng niu đòn gánh tình thương hai đầu!", thật lắng đọng, da diết, thương yêu và biết mấy tự hào.

Đồng chí tổng bí thư cũng mong muốn các vùng miền thực hiện thật tốt, thật hiệu quả nghị quyết của Bộ chính trị, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho việc hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; kiên quyết khắc phục tình trạng "nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề", hoặc "đánh trống bỏ dùi", "đầu voi, đuôi chuột".

Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: “Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.

Trong bài viết "một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam," tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta xác định con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới...”.

Từ đó, đồng chí tổng bí thư luôn căn dặn: Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dẫn lời của chủ tịch Hồ Chí Minh là phải xây dựng được nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. "Người tốt việc tốt" như hoa nở mùa xuân, nêu gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng". "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mong muốn xây dựng con người Việt Nam “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”. Ảnh lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 tại Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng

Đồng chí tổng bí thư cũng nêu rõ: Phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”; “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” và làm cho bằng được; ngược lại, “việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.

Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tổng bí thư dẫn lời dạy của cha ông: “Thiện căn ở tại lòng ta; chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; “có tài mà cậy chi tài; chữ tài liền với chữ tai một vần!”.

Có thể thấy, đó chính là những nội dung, tiêu chí, chuẩn mực quan trọng nhất của hệ giá trị con người Việt Nam được đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết qua nhiều bài viết, bài phát biểu. Trong đó, đã khéo léo vận dụng thơ ca, tục ngữ và những lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân lên niềm tự hào Việt Nam, con người Việt Nam “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.

Bài 4: Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Là người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gương mẫu đi đầu và có nhiều bài viết, bài phát biểu về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí tổng bí thư luôn căn dặn, học tập phải đi đôi với làm theo và làm theo Bác không phải là những gì quá cao siêu, to tát mà chính là từ những việc làm giản dị, tình cảm chân thành. Cụ thể là luôn cần cù, chăm chỉ, tận tụy, hết lòng hết sức vì công việc chung, vì nước, vì dân; luôn tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, nhất là đối với của công; luôn thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng; luôn chính trực, ngay thẳng, khẳng khái, không qụy lụy, cúi luồn, giữ sĩ khí của một người quân tử, chính khách và dù làm việc gì cũng phải đặt sự nghiệp chung, đặt lợi ích công lên trên hết, trước hết; không tư lợi, vụ lợi, không vì lợi ích riêng…

Đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào công việc hàng ngày

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị khóa 12 “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, triển khai kết luận số 01-KL/TW của Bộ chính trị khóa 13 về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 12/6/2021, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn rất nhiều câu nói, lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Người nhiều lần khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”; “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”; “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, nước ta có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế; “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, vì vậy, độc lập phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tức là phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy tháng 3/2023

Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, điều quan trọng là phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tập hợp được mọi lực lượng, dân tộc, tôn giáo, mọi người dân Việt Nam yêu nước: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công!”; “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” vì “chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm”, “là kẻ thù hung ác”; “nó rất gian giảo, xảo quyệt, nó kéo người ta xuống dốc không phanh”.

Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân; là đầy tớ của dân chứ không phải “làm quan nhân dân”, không được lên mặt “làm quan cách mạng”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, trở thành những con người có văn hóa, có liêm sỉ, “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Cần hiểu rõ, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Do vậy, phải đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng được nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. Người căn dặn: Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”; “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Đối với lực lượng công an nhân dân, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt và dẫn nhiều lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công an nhân dân. Theo tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều di thư, lời huấn thị vô cùng quý báu, có giá trị to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh (theo thống kê sơ bộ, có tới 125 lời huấn thị của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công an nhân dân). Trong đó có 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân về "tư cách người công an cách mệnh". Đó là:

"Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo".

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 75 năm công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy.

Tổng bí thư nhấn mạnh, 6 điều Bác Hồ dạy nghe rất giản dị, mộc mạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng lại hàm chứa những nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú, thể hiện đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học; lý luận và thực tiễn; phẩm chất và năng lực của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam. Đây thật sự là một chỉnh thể thống nhất về hình mẫu của người cán bộ, chiến sĩ công an cách mạng; là đạo lý, tình cảm; là lập trường, quan điểm, tư tưởng của giai cấp công nhân; là nguyên tắc, phương châm hành động, thái độ ứng xử; là chuẩn mực về nhân cách mà theo tổng bí thư, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, dù ở cương vị công tác nào cũng phải luôn luôn ghi nhớ, thấm nhuần và nỗ lực phấn đấu thực hiện cho bằng được.

Trong bài “của công, của riêng” đăng trên Tạp chí cộng sản, số tháng 6/1978, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng vận dụng nhiều câu nói, lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh và ca dao tục ngữ để đả phá lối sống thực dụng, ích kỷ; phê phán  những hiện tượng lãng phí của công, lấy của công làm của riêng “cha chung không ai khóc”, “của mình thì để, của rể thì bòn”, “kéo áo người đắp bụng mình”... Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dẫn lời chủ tịch Hồ Chí Minh gọi những hành động tham ô, lãng phí là “tội ác xấu xa”, “là hành động trộm cắp mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ bỏ”; tham ô, lãng phí “là thứ giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”, “là kẻ thù nguy hiểm”. Cùng với đó là phê phán một số người sống theo phương châm “của người bồ tát của ta lạt buộc”, thu vén các thứ cho riêng mình, nhưng thờ ơ, vô trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ tài sản chung, làm hư hỏng, mất mát, hoặc sử dụng một cách vô tội vạ tài sản chung, gây lãng phí rất nghiêm trọng.

Tấm gương được lòng dân

GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên ủy viên hội đồng lý luận trung ương nêu rõ, “luôn có một ấn tượng tốt đẹp trong Đảng, trong dân dành cho tổng bí thư, tức là một sự nhất quán nói và làm, quyết tâm hành động triệt để, dù phức tạp đến đâu cũng phải vượt qua, kể cả xử lý cán bộ cao cấp. Tất cả đều lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích và quyền lực của dân làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Vai trò của người đứng đầu, tổng bí thư thường xuyên thể hiện điều này. Đây là tấm gương để chúng ta học tập và noi theo, và cũng là một tấm gương được lòng dân”.

Đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, tháng 2/2023 (ảnh TTXVN)

Ông Đỗ Văn Ân, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội phát biểu: “Trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại trong lòng người dân hình ảnh rất uy tín, tâm huyết với đất nước, luôn lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích và quyền lực của dân làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Ông là tấm gương được lòng dân”.

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có hàng nghìn bài viết, bài phát biểu; nhiều bài được tập hợp, in thành sách, là cẩm nang cho công cuộc xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, đối ngoại; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng ta, đất nước ta; là những tư liệu quý giá đúc rút từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí tổng bí thư; của Đảng ta, vừa là lý luận; vừa là thực tiễn; vừa là tổng kết, vừa là định hướng...

Những bài viết mang tính lý luận, khoa học đó đã được làm “mềm” đi bằng những áng thơ, bài văn; bằng kho ca dao, tục ngữ phong phú của dân tộc nên càng trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu, từ học sinh tới các bậc cao niên đều đọc được, thấm được. Đó chính là sự độc đáo, riêng có của đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Và ngay cả khi nói về mình, đồng chí tổng bí thư cũng dùng một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Còn một giây, một phút tàn hơi; là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi", "thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ" (thép đã tôi thế đấy), thể hiện ý chí sắt son, một đời trong sáng, tận tụy, cống hiến hết mình vì Đảng, vì dân, vì đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.

Đó chính là một trong những cách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả, sâu sắc, có tác động lan tỏa rộng khắp trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam.

(Nguồn: Giải búa liềm vàng)

Viết bình luận

Bài cùng chuyên mục
Back to top