Xem thêm...

Cơ hội đầu tư vào Long An

Lĩnh vực : Địa phương

Vị trí : Long An

Long An là tỉnh vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam của cả nước. Long An không những là cầu nối giữa trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất nước là thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn có cửa Sông Soài Rạp hướng ra biển đông với Cảng quốc tế Long An đang được xây dựng với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000 - 50.000 DTW, có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài 133 km với Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) và 3 cửa khẩu phụ sẽ nâng cấp lên cửa khẩu quốc gia.

Điều kiện tự nhiên của Long An thuận lợi cho phát triển hài hòa cả công nghiệp và nông nghiệp. Các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và một số khu vực khác như thành phố Tân An, một phần huyện Tân Trụ, Thủ Thừa có điều kiện để phát triển công nghiệp, thương mại và đô thị, do gần thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước và nằm trong vùng dãn nở công nghiệp và đô thị của thành phố Hồ Chí Minh; quỹ đất để phát triển công nghiệp khá dồi dào, toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.000 ha (trong đó có 16 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 61% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy gần 90%), chủ yếu nằm ở khu vực này.

Các khu vực khác của tỉnh, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười phù hợp phát triển nông nghiệp. Đây là vùng nguyên liệu rộng lớn phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 330.000 ha, đất rừng trên 30.000 ha, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 8.500 ha.

Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 quốc lộ đi qua, 1 đường cao tốc; dự kiến thời gian tới sẽ được trung ương đầu tư thêm 2 tuyến đường xe lửa, tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 của thành phố Hồ Chí Minh qua địa bàn, tuyến xe buýt tần suất nhanh Tân An - Bến Lức – thành phố Hồ Chí Minh...; các tuyến đường tỉnh cũng đang được tập trung đầu tư.

Cảng quốc tế Long An tại cửa Sông Soài Rạp hướng ra biển đông.

Về giao thông thủy, Long An có 2 trục chính là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu ra cửa Sông Soài Rạp. Hệ thống điện, nước đang được tập trung đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt. Ngoài ra, Long An còn nhiều tiềm năng khác như nguồn nhân lực dồi dào với gần 1 triệu lao động (trong đó có gần 900.000 người đang làm việc trong các ngành kinh tế), chiếm gần 70% dân số của tỉnh, với hơn 60% số lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiều tiềm năng về thương mại, dịch vụ như các địa chỉ bảo tồn thiên nhiên, di tích văn hóa, di tích lịch sử, nét độc đáo của Đồng Tháp Mười mùa nước nổi...

Back to top