Lĩnh vực : Khác
Vị trí : Khác
Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tọa độ địa lý khoảng 10o10’ – 10o38 vĩ độ bắc và 106o22’ – 106o54’ kinh độ đông. Phía bắc giáp tỉnh Bình Dương, tây bắc giáp tỉnh Tây Ninh, đông và đông bắc giáp tỉnh Đồng Nai, đông nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tây và tây nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Tổng diện tích của thành phố Hồ Chí Minh là 2.056 km2. Vùng đô thị với 140 km2 bao gồm 19 quận. Vùng nông thôn rộng lớn với 1.916 km2, bao gồm 5 huyện với 98 xã. Khoảng cách từ trung tâm thành phố đến biển là 50 km theo đường chim bay và cách thủ đô Hà Nội gần 1.730 km đường bộ. Độ cao trung bình cao hơn 6m so với mực nước biển. Bề mặt địa hình cao ở vùng Bắc - Đông và thấp ở vùng Nam - Tây Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hệ thống kênh rạch trải dài hơn 2.900 ha rất thuận lợi cho việc tưới tiêu và tàu bè đi lại. Khí hậu ôn hòa với nhiệt độ trung bình khoảng 27oC - 29oC, sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa không quá 5oC; lượng mưa trung bình khoảng 2,000 mm với độ ẩm trung bình khoảng 75 - 80%. Thành phố Hồ Chí Minh có 2 mùa trong năm; mùa mưa vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa nắng vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với hai hướng gió chính là gió Tây - Tây Nam và Bắc - Đông Bắc và dường như trong các năm qua không có bão, lũ lụt.
Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 0,6% diện tích và 6,6% dân số so với cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế của cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao đã tạo ra mức đóng góp GDP lớn cho cả nước. Tỷ trọng GDP của thành phố chiếm 1/3 GDP của cả nước.
Về thương mại, dịch vụ, thành phố là trung tâm xuất nhập khẩu lớn nhất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cơ sở vật chất ngành thương mại được tăng cường với khoảng 400 chợ bán lẻ, 81 siêu thị, 18 trung tâm thương mại, 3 chợ đầu mối. Khu vực dịch vụ tăng trưởng vượt kế hoạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất Việt Nam, thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng ngân hàng và doanh số quan hệ tài chính - tín dụng. Doanh thu của hệ thống ngân hàng thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu toàn quốc. Nhiều dịch vụ tín dụng hiện đại được đưa vào ứng dụng, mạng lưới thanh toán thông qua thẻ ATM được mở rộng.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò trung tâm giáo dục – đào tạo chất lượng cao của mình. Về công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đã phát triển theo chiều hướng ngày càng gia tăng, số lượng đào tạo thường năm sau cao hơn năm trước; loại hình đào tạo cũng đa dạng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Số lượng trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tăng nhanh theo đà phát triển kinh tế. Thành phố Hồ Chí Minh có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật vừa đông về số lượng (hàng chục ngàn người), vừa được đào tạo rất đa dạng từ các nguồn khác nhau, có đủ trình độ để tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Với những thành tựu đã đạt được, cùng với thế mạnh về nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm đào tạo, khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ của vùng và cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 vẫn sẽ là một trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước và của vùng kinh tế trong điểm phía nam. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên tập trung phát triển các ngành cơ khí gia dụng, sản xuất phương tiện vận tải, chế tạo máy, chế tạo thiết bị công nghệ, điện tử và các ngành công nghệ cao khác vừa theo chiều rộng, vừa theo chiều sâu, tạo tốc độ tăng giá trị sản lượng.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh so với cả nước, kể từ khi luật đầu tư được ban hành. Số dự án đầu tư vào thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu ngân sách của nhà nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn song thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh vẫn không ngừng tăng.
Đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh sẽ hưởng được các lợi thế sẵn có như nguồn lao động, cơ sở vật chất, dịch vụ phát triển và thị trường tiêu thụ rộng lớn,… Hơn thế nữa, thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi có nhiều lợi thế trên nhiều mặt so với các vùng khác của Việt Nam. Trong vùng kinh tế trong điểm phía nam, thành phố Hồ Chí Minh có vai trò trung tâm rất quan trọng về nhiều mặt. Các địa phương trong vùng kinh tế trong điểm phía nam có vai trò hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau để phát triển.
Luật đầu tư được quốc hội Việt Nam ban hành năm 2007. Luật mới này nhằm hướng đến mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài luật đầu tư và các nghị định liên quan, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam còn bị chi phối bởi các luật và quy định khác có liên quan. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được phép áp dụng các luật nước ngoài để giải quyết những phạm vi, những vấn đề mà luật Việt Nam chưa đề cập đến nhưng không đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản trong luật pháp Việt Nam.
Từ rất sớm, đầu tư trực tiếp nước ngoài được xem là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Luật đầu tư đảm bảo rằng những nhà đầu tư sẽ nhận được “sự đối xử công bằng hợp lý”. Vốn đầu tư và những tài sản thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị trưng dụng, chiếm đoạt bởi các biện pháp hành chính nếu không có sự tự nguyện đồng ý của họ. Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hóa. Những quyền sở hữu công nghiệp và những quyền lợi hợp pháp trong việc chuyển giao công nghệ cũng được bảo vệ.
Những quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài được bảo vệ khỏi những thay đổi bất lợi từ luật. Khi có những thay đổi của pháp luật Việt Nam ảnh hưởng bất lợi đến những quyền lợi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc những thành viên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, những quyền lợi của họ được nêu rõ trong giấy phép đầu tư hoặc giấp phép kinh doanh vẫn tiếp tục có hiệu lực hoặc chính quyền Việt Nam sẽ thỏa thuận với sự ưng thuận của nhà đầu tư bằng các hình thức như:
Ngoài ra, luật đầu tư cũng đảm bảo cho những thay đổi lợi ích hợp pháp được áp dụng đối với những nhà đầu tư đã được cấp phép.
Nhà đầu tư có thể đầu tư theo nhiều hình thức khác nhau mà luật cho phép. Họ có thể chủ động trong việc lựa chọn những dự án đầu tư, thành viên đầu tư, khu vực, thời gian tồn tại, thị trường cho sản xuất, và tỉ lệ vốn pháp định, phù hợp với các điều khoản của pháp luật đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư được quyền thay đổi hình thức đầu tư, chia tách, sát nhập hoặc cổ phần hóa phù hợp với luật.
Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tự chủ trong các hoạt động của họ. Họ có thể tuyển lao động địa phương trực tiếp từ trị trường lao động và ký kết hợp đồng lao động trực tiếp với người lao động phù hợp với luật lao động. Họ cũng có thể trực tiếp quản lý các trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu hoặc các nguồn cung cấp quan trọng cho việc xây dựng và điều hành dự án của họ, cũng như việc xuất khẩu và phân phối sản phẩm của họ tại Việt Nam.
Doanh nghiệp nước ngoài và các thành viên hợp tác kinh doanh có thể mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành phố bên ngoài nơi văn phòng chính đóng để điều hành các hoạt động kinh doanh phù hợp với các mục tiêu trên giấy phép đầu tư. Những nơi nào cần thiết cho việc xuất khẩu, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở nước ngoài để quản lý vận hành các hoạt động kinh doanh thương mại, thị trường và tiêu thụ hàng hóa.
Với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và điều kiện sinh hoạt, vui chơi giải trí, thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai vẫn là nơi hấp dẫn nhất các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tầng lớp dân cư của cả nước đến sinh sống, mua sắm và vui chơi.