Sản phẩm

Quy chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam

Lĩnh vực : Đầu tư

Vị trí : Tất cả

Tranh chấp đầu tư quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam là tranh chấp phát sinh từ việc nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền quản lý nhà nước.

Cơ quan chủ trì (cơ quan bị kiện, Bộ tư pháp, Bộ tài chính, cơ quan nhà nước Việt Nam chủ trì đàm phán hoặc thay mặt Chính phủ Việt Nam ký hợp đồng, thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài) và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế chủ động, đồng bộ, chính xác, kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật Việt Nam để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Chính phủ Việt Nam, cơ quan nhà nước Việt Nam.

Cơ quan chủ trì là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông báo ý định khởi kiện, thông báo trọng tài hoặc thông báo tương tự của nhà đầu tư nước ngoài về việc khởi kiện vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền.

Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan chủ trì nếu nhận được thông báo ý định khởi kiện, thông báo trọng tài hoặc thông báo tương tự của nhà đầu tư nước ngoài về việc khởi kiện vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao toàn bộ thông tin, tài liệu đã nhận trong thời hạn ba (3) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo đó đến cơ quan chủ trì hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp và Bộ tư pháp (nếu không xác định được cơ quan chủ trì).

Trong thời hạn ba (3) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc thông báo bằng văn bản từ nguồn khác, Bộ tư pháp phải gửi văn bản kèm theo bản sao toàn bộ hồ sơ nhận được đến cơ quan chủ trì hoặc Văn phòng Chính phủ (để trình thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì).

Trong thời hạn năm (5) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, Văn phòng Chính phủ trình thủ tướng Chính phủ quyết định phân công cơ quan chủ trì.

Trong thời hạn ba (3) ngày làm việc sau khi thủ tướng Chính phủ quyết định phân công cơ quan chủ trì, Văn phòng Chính phủ gửi thông báo về quyết định phân công cơ quan chủ trì đến cơ quan chủ trì để thực hiện.

Pháp luật Việt Nam quy định cụ thể về phối hợp trong giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài khiếu nại và tham vấn; phối hợp trong giai đoạn tranh chấp đầu tư quốc tế được giải quyết tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền; phối hợp trong giai đoạn thi hành phán quyết, quyết định giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền; cơ chế tài chính phục vụ giải quyết tranh chấp quốc tế.

Tổ công tác liên ngành được thành lập khi vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế được khởi kiện ra trọng tài quốc tế hay cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền. Tổ trưởng tổ công tác liên ngành là lãnh đạo của cơ quan chủ trì.

Cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế có nhiệm vụ hỗ trợ cơ quan chủ trì thuê luật sư giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế. Cụ thể, thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia phiên xét xử vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế trong trường hợp cần thiết hoặc theo đề nghị của cơ quan chủ trì.

Tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế, cơ quan chủ trì tham vấn cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ để quyết định việc lựa chọn, thuê luật sư tư vấn; phối hợp với tổ công tác liên ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và luật sư (nếu có) quyết định việc thuê chuyên gia kỹ thuật, mời nhân chứng phục vụ quá trình giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế theo pháp luật Việt Nam.

Back to top