Sản phẩm

Tham gia giải quyết tranh chấp đất đai

Lĩnh vực : Bất động sản

Vị trí : Tất cả

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tính phức tạp, gay gắt của tranh chấp đất đai không chỉ dừng lại ở tranh chấp dân sự mà còn có thể dẫn đến các vụ án hình sự, thậm chí còn mang tính chính trị, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Vì vậy, giải quyết tranh chấp đất đai là một nội dung rất quan trọng và không thể thiếu của pháp luật đất đai.

Giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để tìm ra giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai.

1/ Giải quyết tranh chấp đất đai có các đặc điểm sau:

Để giải quyết một tranh chấp, các chủ thể có thể sử dụng nhiều biện pháp như tự thương lượng, thỏa thuận với nhau. Pháp luật đất đai không quan tâm cách thức họ thỏa thuận thế nào, thương lượng ra sao mà chỉ đưa ra các quy định điều chỉnh hoạt động giải quyết tranh chấp khi có sự tham gia của cơ quan nhà nước vào việc giải quyết đó mà thôi. Điều này nhằm thể hiện sự tôn trọng của nhà nước với tự do ý chí, tự do định đoạt của các chủ thể và nhà nước sẽ cung cấp một công cụ giải quyết tranh chấp cho họ nếu như họ không có được sự thống nhất. Một khi đã có sự tham gia của cơ quan nhà nước thì các quy phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp là cần thiết, bởi lẽ có những quy phạm pháp luật này thì người dân cũng như chính cơ quan nhà nước mới biết chủ thể nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và giải quyết theo trình tự, thủ tục nào.

Đối tượng của hoạt động giải quyết tranh chấp là tranh chấp đất đai, trong đó các đương sự yêu cầu cơ quan nhà nước xác định rõ những quyền và nghĩa vụ của các bên đối với khu đất đang bị tranh chấp.

Hệ quả pháp lý của việc giải quyết tranh chấp là quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai sẽ được làm rõ bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

2/ Mục đích của việc giải quyết tranh chấp đất đai:

  • Giải quyết bất đồng, bảo vệ cho các chủ thể có quyền sử dụng đất hợp pháp;
  • Duy trì ổn định trật tự xã hội;
  • Thể hiện vai trò quản lý của nhà nước về đất đai.

3/ Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

a) Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong các trường hợp:

  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ hợp lệ theo quy định của luật đất đai;
  • Các đương sự không có các loại giấy tờ nêu trên nhưng lựa chọn khởi kiện tại tòa án mà không giải quyết tại ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
  • Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.

b) Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp:

Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa các đương sự mà các đương sự không có một trong các loại giấy tờ nêu trên để chứng minh quyền sử dụng đất.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp cụ thể như sau:

  • Đối với đương sự là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì thẩm quyền giải quyết lần 1 là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, thẩm quyền giải quyết lần 2 là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Đối với đương sự một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  thì thẩm quyền giải quyết lần 1 là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thẩm quyền giải quyết lần 2 là bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường.

Trường hợp các bên đương sự không đồng ý với kết quả giải quyết lần 1 thì có thể khiếu nại để giải quyết lần 2 hoặc khởi kiện tại tòa án theo trình tự tố tụng hành chính.

Trong trường hợp đặc biệt, khi kết quả giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính thì Quốc hội hoặc Chính phủ sẽ quyết định:

  • Quốc hội quyết định trong trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà ủy ban nhân dân của các đơn vị đó không đạt được sự nhất trí hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính;
  • Chính phủ quyết định trong trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn mà ủy ban nhân dân của các đơn vị đó không đạt được sự nhất trí hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính.

Công ty luật TNHH Chuẩn A tham gia hướng dẫn khách hàng giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng các bên tranh chấp đất hòa giải với nhau. Trường hợp các bên không tự hòa giải được, Công ty luật TNHH Chuẩn A hướng dẫn các bên khởi kiện giải quyết tranh chấp tại tòa án theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Back to top