Lĩnh vực : Dân sự
Vị trí : Tất cả
Cùng với tầm quan trọng ngày càng tăng của sở hữu trí tuệ, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cũng xảy ra ngày càng nhiều hơn. Tranh chấp sở hữu trí tuệ là một loại tranh chấp dân sự hoặc tranh chấp thương mại cụ thể, bởi vậy việc giải quyết loại tranh chấp này dựa trên cơ sở nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định chung trong bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, đây là loại tranh chấp đặc thù xuất phát từ tính chất vô hình của các đối tượng sở hữu trí tuệ; hơn nữa đây lại là loại tranh chấp còn tương đối mới mẻ. Thực tế cũng chỉ ra rằng, việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết loại tranh chấp này, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện cũng là nguyên nhân cơ bản.
Công ty luật TNHH Chuẩn A đề cập đến những vấn đề pháp lý cơ bản, quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự, tuy nhiên lại chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ, chưa đầy đủ trong bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và các văn bản pháp luật liên quan.
Trong ba loại biện pháp được áp dụng để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, ranh giới giữa biện pháp hình sự và hai biện pháp còn lại là biện pháp dân sự và biện pháp hành chính tương đối rõ ràng. Thông thường, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý hình sự nếu trước đó đã bị xử lý hành chính. Trong khi đó, ranh giới giữa biện pháp dân sự và biện pháp hành chính lại chưa thật rõ ràng, đặc biệt là tranh chấp nào được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự và tranh chấp nào được giải quyết bằng “con đường” hành chính. Hệ quả là, nhiều tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ lẽ ra phải được giải quyết theo thủ tụng tố tụng dân sự thì lại giải quyết theo thủ tục hành chính. Theo thống kê, trong những năm qua, hầu hết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được giải quyết bằng biện pháp hành chính. Không ít người lo ngại rằng, việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đang bị hành chính hóa. Quy định không rõ ràng về thẩm quyền dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan, các cơ quan đôi khi thực hiện công việc không thuộc thẩm quyền của mình, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989 lần đầu tiên quy định cho tòa án thẩm quyền xét xử các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ mà cụ thể là quyền sở hữu công nghiệp tại điều 29. Theo quy định của pháp lệnh, thẩm quyền xét xử các tranh chấp sở hữu công nghiệp của tòa án rất hẹp. Cụ thể, tòa án chỉ có thẩm quyền xét xử bốn loại tranh chấp và vi phạm sau:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 chỉ quy định tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (khoản 40, điều 25; khoản 2, điều 29). Bộ luật dân sự năm 1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp cũng chỉ quy định: Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, tác giả, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền khởi kiện yêu cầu cơ quan nhà nước thẩm quyền bảo vệ quyền của mình khi bị xâm hại; tranh chấp về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Ngày 21/8/1997, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 97/KHXX xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Tiếp đó, ngày 5/12/2001, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ văn hóa thông tin đã ban hành thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BVHTT về giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền tác giả tại tòa án. Tuy nhiên, những văn bản pháp luật này cũng chưa quy định rõ các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cụ thể nào thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trên cơ sở các quy định rải rác trong các văn bản pháp luật kể trên về thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và thực tế phát sinh, giải quyết các tranh chấp này, thẩm quyền theo vụ việc có thể được xác định như sau:
Rõ ràng, nếu so sánh với quy định của pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989, pháp luật hiện hành đã giành cho tòa án thẩm quyền rộng hơn rất nhiều trong việc xét xử các tranh chấp về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.
Theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (điều 25, điều 27, điều 33, điều 34), thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ của tòa án được xác định như sau:
Bên cạnh vấn đề thẩm quyền, cần phải hiểu rõ ai có quyền khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trước tòa án theo thủ tụng tố tụng dân sự. Vấn đề nguyên đơn trong vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ cũng chưa được quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 chỉ quy định: “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn”. Nguyên đơn có các quyền, nghĩa vụ được quy định tại khoản 1, điều 59, bộ luật tố tụng dân sự.
Do pháp luật không quy định ai có quyền khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến thực tế người có quyền khởi kiện đôi khi bỏ mất quyền khởi kiện hoặc người không có quyền khởi kiện lại khởi kiện nên không được tòa án giải quyết.
Nguyên đơn trong vụ án về quyền sở hữu trí tuệ có thể là tác giả, chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ hoặc người có quyền liên quan khác. Cụ thể như sau:
Khi xác định nguyên đơn trong tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, cần lưu ý:
- Đối với quyền tác giả, quyền khởi kiện yêu cầu bảo hộ quyền tác giả phát sinh từ thời điểm cá nhân sáng tạo ra tác phẩm và thể hiện sự sáng tạo đó dưới một hình thức vật chất nhất định. Tức là, nếu một người có ý tưởng sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, nhưng chưa thể hiện ý tưởng này dưới bất kỳ hình thức nào như giấy, gỗ, vải… thì không thể khởi kiện yêu cầu nhà nước bảo vệ quyền của mình đối với ý tưởng. Hơn nữa, trong trường hợp tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khởi kiện cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền của họ (trừ các quyền nhân thân quy định tại điểm a, điểm b, điểm đ, khoản 1, điều 751 bộ luật dân sự), việc khởi kiện chỉ được chấp nhận trong thời hạn tác phẩm được bảo hộ. Thời hạn đó là suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết.
- Đối với quyền sở hữu công nghiệp, nếu tác giả, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp khởi kiện tổ chức, cá nhân khác xâm phạm quyền của mình phải là người đã được cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp đó; và hành vi vi phạm xảy ra trong thời hạn bảo hộ.
Khi giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, cũng như đối với các vụ án dân sự khác, “đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh” (điều 79 bộ luật tố tụng dân sự). Tuy nhiên, việc chứng minh trong vụ án về quyền sở hữu trí tuệ thường khó khăn hơn rất nhiều so với các vụ án dân sự khác.
Theo quy định tại điều 82 bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, pháp luật thừa nhận chín nguồn chứng cứ mà đương sự được sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ chứng minh của mình. Ngoài quy định chung này trong bộ luật tố tụng dân sự, không có bất kỳ một văn bản pháp luật nào quy định về chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.
Trong các loại chứng cứ được quy định tại điều 82 bộ luật tố tụng dân sự, các nguồn sau đây có thể được sử dụng khi giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ: Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; các vật chứng; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng; kết luận giám định; kết quả định giá tài sản. Tùy từng loại tranh chấp cụ thể mà chứng cứ được sử dụng khác nhau, đương sự có thể đưa ra một hoặc một số loại chứng cứ.
Bên cạnh đó, một số vật chứng cũng có thể được sử dụng như: Hàng hóa gắn đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ; hàng hóa gắn đối tượng sở hữu công nghiệp bị coi là vi phạm; các khoản thu lợi bất chính,…
Vấn đề giám định thường được đặt ra trong trường hợp đối tượng sở hữu trí tuệ đang tranh chấp là đối tượng phức tạp. Theo điều 90 bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định theo thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự. Kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, điều 67 bộ luật tố tụng dân sự về người giám định chỉ quy định chung chung: “Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của lĩnh vực có đối tượng cần giám định”. Cho đến nay, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chưa có quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền giám định, trình tự, thủ tục giám định ra sao. Trong thực tế, thẩm quyền giám định đối tượng sở hữu trí tuệ thuộc về Cục sở hữu trí tuệ, trong khi đây lại là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Nên có một cơ quan độc lập có thẩm quyền giám định đối tượng sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đối với quyền tác giả, đó là cơ quan độc lập thuộc Bộ văn hóa thông tin, còn đối với quyền sở hữu công nghiệp, đó là cơ quan thuộc Bộ khoa học công nghệ.
Thủ tục tố tụng dân sự cho phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và tác giả, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp cũng như các chủ thể có quyền liên quan khác được khởi kiện yêu cầu tòa án công nhận quyền của mình; buộc người có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp chấm dứt hành vi xâm phạm; yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về cách thức xác định thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Nếu chỉ căn cứ vào các quy định về “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” tại chương 5, phần thứ ba của bộ luật dân sự sẽ không thỏa đáng khi giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Hơn nữa, theo nguyên tắc, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh mức độ thiệt hại thực tế và thiệt hại tiềm tàng của mình do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Tuy nhiên, để chứng minh được điều này là điều không đơn giản với nguyên đơn.
Hiện nay, các tòa án rất lúng túng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn. Trong hầu hết các vụ việc, việc xác định mức bồi thường cho nguyên đơn là không thỏa đáng, bởi vậy không bảo vệ được lợi ích chính đáng của họ. Về vấn đề này cần được xác định rõ trong luật sở hữu trí tuệ đang được xây dựng, hoặc hướng dẫn xét xử của Tòa án nhân dân tối cao. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, mức bồi thường được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế mà tác giả, chủ sở hữu, người có quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu trí tuệ phải gánh chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Thứ hai, thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất là các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, chi phí hợp lý để thuê luật sư, tổn thất về cơ hội kinh doanh; thiệt hại về tinh thần là các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần.
Rõ ràng, cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự chưa được cụ thể và đầy đủ. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan giải quyết tranh chấp và cho cả đương sự, làm cho hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa cao. Bởi vậy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự nói riêng là vô cùng cần thiết.