Sản phẩm

Thành lập trung tâm dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài

Lĩnh vực : Doanh nghiệp

Vị trí : Tất cả

Theo cam kết dịch vụ với WTO của Việt Nam, hiện nay Việt Nam đã mở cửa dịch vụ giáo dục. Do đó có thể đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên đối với phân ngành giáo dục này thì chương trình đào tạo phải được Bộ giáo dục và đào tạo phê duyệt.

Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày cho phép thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn, nhưng không quá 70 năm.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cụ thể là trung tâm đào tạo nghề) phải trải qua 4 bước sau:

  • Bước 1: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  • Bước 2: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp;
  • Bước 3: Xin giấy phép thành lập trung tâm đào tạo nghề;
  • Bước 4: Xin giấy phép hoạt động trung tâm đào tạo nghề.

Cụ thể, điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như sau:

1) Có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

2) Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư).

3) Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.000m2; của trường trung cấp là 10.000m2 đối với khu vực đô thị và 20.000m2 đối với khu vực ngoài đô thị; của trường cao đẳng là 20.000m2 đối với khu vực đô thị và 40.000m2 đối với khu vực ngoài đô thị.

4) Vốn đầu tư thành lập bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị đất đai, cụ thể: Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp tối thiểu là 5 tỷ đồng; đối với trường trung cấp tối thiểu là 50 tỷ đồng; đối với trường cao đẳng tối thiểu là 100 tỷ đồng.

5) Chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo dự kiến phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của luật giáo dục nghề nghiệp; không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức giảng dạy chương trình đào tạo của Việt Nam; chương trình đào tạo của nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định; các môn học bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam theo học các chương trình đào tạo của nước ngoài trong các trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Bộ lao động thương binh và xã hội.

6) Có dự kiến cụ thể về cơ cấu tổ chức; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hợp tác, đầu tư và đào tạo 44 nhóm nghề thuộc các lĩnh vực sau: Kinh doanh; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; kế toán, kiểm toán; quản trị, quản lý; thống kê; máy tính; công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng; công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường; công nghệ sản xuất; quản lý công nghiệp; công nghệ dầu khí và khai thác; công nghệ kỹ thuật in; công nghệ kỹ thuật địa chất, địa vật lý và trắc địa…

Cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở dạy nghề liên kết đào tạo với cơ sở dạy nghề của nước ngoài có trách nhiệm đăng ký mẫu phôi bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề với Tổng cục dạy nghề thuộc Bộ lao động thương binh và xã hội để được công nhận giá trị pháp lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Sau khi được Tổng cục dạy nghề xác nhận mẫu phôi bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ nghề, cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở dạy nghề liên kết đào tạo với cơ sở dạy nghề nước ngoài thực hiện việc quản lý, cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề theo quy định của Bộ lao động thương binh và xã hội.

Trong quá trình hoạt động, cơ sở dạy nghề thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở dạy nghề nước ngoài và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tự chịu trách nhiệm về chất lượng dạy nghề, định kỳ triển khai hoạt động tự đánh giá, đảm bảo chất lượng và nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc của nước ngoài; đăng ký kiểm định chất lượng dạy nghề chậm nhất là sau 3 năm kể từ khi được cấp giấy phép hoạt động dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề và chậm nhất là sau 2 năm kể từ khi được cấp phép hoạt động dạy nghề đối với trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề; kiểm định trước khi tổ chức đào tạo tại Việt Nam các chương trình đào tạo của cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài và các chương trình liên kết đào tạo với cơ sở dạy nghề nước ngoài để cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài.

Back to top