Luật 24 giờ

Thủ tục đầu tư theo hợp đồng đối tác công tư

Lĩnh vực : Đầu tư

Vị trí : Tất cả

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

1) Các loại hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP):

  • Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT);
  • Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (hợp đồng BTO);
  • Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT);
  • Hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (hợp đồng BOO);
  • Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (hợp đồng BTL);
  • Hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (hợp đồng BLT);
  • Hợp đồng kinh doanh - quản lý (hợp đồng O&M);
  • Các loại hợp đồng tương tự khác được thủ tướng Chính phủ quyết định.

2) Phân loại dự án:

Dự án được phân loại theo quy định của pháp luật về đầu tư công, gồm dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B và C.

Trình tự thực hiện dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B:

  • Lập, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án;
  • Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi;
  • Tổ chức chọn nhà đầu tư; đàm phán và ký kết thỏa thuận đầu tư, hợp đồng dự án;
  • Thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp;
  • Triển khai thực hiện dự án;
  • Quyết toán và chuyển giao công trình.

3) Trình tự thực hiện dự án nhóm C:

  • Lập, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án;
  • Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán và ký kết hợp đồng dự án;
  • Triển khai thực hiện dự án;
  • Quyết toán và chuyển giao công trình.

4) Nguồn vốn để thực hiện dự án:

Nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau:

- Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này;

- Đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.

Vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Back to top