Sản phẩm

Tiềm năng đầu tư của Việt Nam

Lĩnh vực : Khác

Vị trí : Khác

1- Khu vực đồng bằng Sông Hồng:

a) Vị trí địa lý: Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nằm cạnh phía nam của bắc chí tuyến, giữa vĩ độ 22°00' và 21°30' bắc và kinh độ 105°30' và 107°00' đông.

Diện tích tự nhiên là 23.336km2, dân số năm 2012 là 20,2 triệu người. Diện tích của ĐBSH chiếm 7,1% diện tích đất của cả nước và dân số chiếm 22,7% dân số của cả nước. Mật độ dân số trên 1km2 là 961 người, cao nhất so với các vùng khác trong cả nước và có thể là một trong những vùng nông thôn có mật độ dân số cao nhất thế giới (mật độ bình quân của cả nước là 268 người/km2). Mật độ dân số của vùng ĐBSH cao gấp 3,58 lần so với cả nước và 1,57 lần so với vùng có mật độ dân số đứng thứ hai là Đông Nam Bộ. Trong số 8 tỉnh, thành phố của cả nước có mật độ dân số trên 1.000 người/km2 thì riêng vùng ĐBSH đã có 7 tỉnh, thành phố.

Hồ Gươm Hà Nội

Phía bắc và tây bắc giáp trung du và miền núi, giàu tài nguyên khoáng sản và rừng, phía đông giáp Vịnh Bắc Bộ, có nguồn lợi hải sản phong phú và có khả năng có dầu khí, phía nam giáp Bắc Trung Bộ, giàu vật liệu xây dựng và kim loại quý.

Theo số liệu thống kê đến 2012, vùng ĐBSH có 2 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội và Hải Phòng); 9 thành phố trực thuộc tỉnh; 16 quận, 6 thị xã, 96 huyện; 364 phường; 122 thị trấn và 1.965 xã.

- Thế mạnh về giao thông: ÐBSH giữ vai trò cửa ngõ phía bắc của tổ quốc; hệ thống giao thông hiện có như mạng lưới đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không, đường sắt, cảng biển Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế sân bay Nội Bài (Hà Nội),... là những đầu mối nối liền giữa ÐBSH với các vùng kinh tế trong nước và mở rộng quan hệ giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới. Ðịa bàn ÐBSH lại "cận kề" với nước bạn Trung Quốc (thị trường to lớn của cả thế giới) và "cách không xa" các nước vùng Ðông - Bắc Á.

- Thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên: Trước hết, ở đây có các vùng sinh thái đa dạng, có cả đồng bằng, trung du và miền núi; có đồng ruộng màu mỡ với đồng bằng châu thổ sông Hồng. Những vùng sinh thái phong phú như vậy là điều kiện cơ bản để phát triển nền sản xuất hàng hóa nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện. Nhờ đó, ÐBSH được mệnh danh là vựa lúa; hằng năm, tổng sản lượng lương thực có hạt, thực phẩm và nhiều loại nông sản khác đứng thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long); đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực và hàng hóa nông sản xuất khẩu. Trong vùng có một số tài nguyên khoáng sản với trữ lượng rất lớn như than đá chiếm 98%, cao lanh chiếm 40%, đá vôi chiếm 25% so với tổng trữ lượng của cả nước.

- Thế mạnh về con người: Vùng ÐBSH có nguồn nhân lực lớn, trình độ dân trí cao, tập trung đội ngũ trí thức giỏi, nhân dân có truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Vùng đã tập trung khoảng 26% số cán bộ có trình độ cao đẳng và đại học, 72% số cán bộ có trình độ trên đại học, 23,6% lực lượng lao động kỹ thuật của cả nước. Có gần 100 trường cao đẳng, đại học, 70 trường trung học chuyên nghiệp, 60 trường công nhân kỹ thuật và 40 trường dạy nghề; hàng trăm viện nghiên cứu chuyên ngành, trong đó có nhiều viện đầu ngành, hơn 20 bệnh viện đầu ngành, là một trong ba trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước; 100% số tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi quy định (mục tiêu cả nước là đến năm 2010). Thực tế cho thấy, vùng ÐBSH dẫn đầu các vùng trong cả nước về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng nghiên cứu triển khai khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Thế mạnh về du lịch: Vùng ÐBSH còn có tiềm lực lớn để phát triển mạnh ngành kinh tế du lịch. Phía đông vùng giáp vịnh Bắc Bộ, tổng chiều dài bờ biển 620km, có tài nguyên du lịch biển đặc sắc với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan nổi tiếng. Trong vùng có động Hương Tích, được mệnh danh "thiên nam đệ nhất động", Ao Vua, Suối Hai, Tam Cốc, Bích Ðộng, Côn Sơn, Phố Hiến,... Có hơn 1.700 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, chiếm 70% số di tích của cả nước. Ðó là những cơ sở để phát triển kinh tế du lịch đa dạng, phong phú, tạo sức hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, ngoài nước đến tham quan.

- Địa hình: Khu trung tâm của vùng ĐBSH rất bằng phẳng, phần lớn nằm ở độ cao từ 0,4m đến 12m so với mực nước biển, với 56% có độ cao thấp hơn 2m.

- Đơn vị hành chính: Gồm 11 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình.

Thủ đô Hà Nội

b) Lợi thế và ưu thế:

- Thế mạnh về vị trí: ÐBSH có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế khác; có vị trí rất thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng bằng sông Hồng với ưu thế có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước. ĐBSH còn có vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ với 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Đây cũng là vùng kinh tế năng động của cả nước.

- Tốc độ tăng trưởng: Trong 5 năm 2001 - 2005, khu vực đồng bằng sông Hồng đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đạt 10,41%/năm, gấp 1,4 lần mức bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 7,83 triệu đồng/người/năm, tăng 22% so với năm 2000. Riêng năm 2005, vùng đóng góp 21,5% GDP; 15,4% giá trị xuất khẩu; 26% tổng thu ngân sách của cả nước.

- Về cơ cấu kinh tế: Tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó tỷ trọng nông lâm nghiệp, thủy sản giảm, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh.

c) Định hướng phát triển kinh tế đến năm 2020:

- Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng. Phấn đấu đến năm 2020, GDP bình quân đạt 24,7 - 28,7%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 4.180 USD/người/năm 2020. Đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bằng 1,2 - 1,3 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. Cơ cấu ngành kinh tế trong GDP đến năm 2020 dự kiến nông, lâm nhiệp và thủy sản khoảng 7,5%, công nghiệp và xây dựng khoảng 47,% và ngành dịch vụ khoảng 48%.

- Nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số ngành, lĩnh vực:

Về nông nghiệp: Trên cơ sở hoàn thành việc tạo được tập đoàn giống cây trồng, vật nuôi tốt, hình thành những khu vực sản xuất hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu và phát triển công nghiệp chế biến. Dành khoảng 300.000ha để cấy lúa đặc sản, chuyển một số diện tích ruộng trũng cấy lúa bấp bênh sang trồng cây, nuôi con đặc sản để đưa mức thu nhập bình quân 70 - 75 triệu đồng/ha năm 2012 lên khoảng 140 - 150 triệu đồng/ha vào năm 2020. Hình thành các vùng lúa xuất khẩu và các vùng sản xuất lúa, ngô, rau thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp chất lượng cao ở các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt thủy sản ven bờ, kết hợp đánh bắt hải sản xa bờ, khuyến khích tạo điều kiện chế biến xuất khẩu. Thực hiện trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng ở các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Ninh Bình. Bảo vệ rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển.

Về công nghiệp: Ưu tiên phát triển những ngành sản xuất có hiệu quả và góp phần xuất khẩu; công nghiệp điện tử, phần mềm; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp; công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản; công nghiệp vật liệu xây dựng. Đổi mới và bổ sung thêm thiết bị cần thiết cho các cơ sở công nghiệp chế tạo máy công cụ và thiết bị toàn bộ để đảm bảo sản xuất máy công cụ, thiết bị chế biến nông sản thực phẩm, thiết bị cho công nghiệp nhẹ, sản xuất các phụ tùng thay thế cho các nhà máy xi măng, cung cấp phụ tùng cho các nhà máy đường, sản xuất các dây chuyền thiết bị gạch ngói, trộn bê tông. Tập trung sức thu hút các doanh nghiệp để lấp đầy 9 khu công nghiệp đã được cấp phép và đang triển khai xây dưng kết cấu hạ tầng, không mở thêm các khu công nghiệp mới. Thúc đẩy đầu tư khu công nghệ cao Hào Lạc Xuân Mai. Xây dựng các khu công nghiệp (KCN) qui mô vừa và nhỏ tại Hưng Yên (KCN Như Quỳnh, KCN Phố Nối A, KCN Phố Nối B), Hà Nam (KCN Đồng Văn), Ninh Bình (KCN Tam Điệp), Nam Định (KCN Lộc Hạ), Thái Bình (KCN Tiền Hải), Bắc Ninh (KCN Quế Võ), Hải Dương (KCN Nam Sách, KCN Phú Thái). Đồng thời phát triển nhiều làng nghề nhằm hướng tới xuất khẩu, công nghiệp hóa nông thôn và giải quyết việc làm.

- Phát triển thương mại dịch vụ du lịch: Khai thác một cách có hiệu quả siêu thị hiện có, phát triển các trung tâm thương mại - quảng cáo - hội chợ. Khai thác hiệu quả các tuyến du lịch độc đáo để thu hút khách, mở thêm các tuyến du lịch quốc tế nối Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long với các nước trên thế giới và trong khu vực. Trước hết, xây dựng các dự án khu du lịch trọng điểm như Tam Cốc - Bích Động, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, khu du lịch Đồng Mô Ngải Sơn. Phát triển theo hướng hiện đại đối với dịch vụ bưu chính viễn thông, ngân hàng, tư vấn.

2- Khu vực miền núi phía bắc:

a) Vị trí địa lý: Phía đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía bắc và đông bắc giáp các tỉnh phía nam Trung Quốc, phía tây giáp với thượng Lào và phía nam giáp với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.

- Diện tích: Trên 95.272km2.

- Địa hình: Mang đặc điểm địa hình của cả miền núi và trung du.

- Đơn vị hành chính: Gồm 14 tỉnh và được chia làm 2 vùng đông bắc và tây bắc. Đông bắc gồm các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang. Tây bắc gồm các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và Hòa Bình.

- Dân số: Khoảng 11,4 triệu người (năm 2012).

Địa hình miền núi phía bắc

b) Các lợi thế của vùng:

- Thế mạnh về khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện:

Trung du và miền núi phía bắc là vùng có khoáng sản và trữ năng thủy điện lớn nhất Việt Nam. Lòng đất ở đây giàu than, quặng sắt, mangan, đồng, chì, kẽm, đất hiếm, apatit,... Các mỏ than tập trung chủ yếu ở khu đông bắc (Quảng Ninh, Thái Nguyên). Khu đông bắc cũng có nhiều mỏ kim loại, đáng kể hơn cả là mỏ sắt (Yên Bái), thiếc và bôxit (Cao Bằng), kẽm – chì ở Chợ Điền (Bắc Kạn), đồng – vàng (Lào Cai). Khoáng sản phi kim loại đáng kể có apatit (Lào Cai). Mỗi năm vùng kinh tế này khai thác khoảng 600 nghìn tấn quặng để sản xuất phân lân.

Trữ năng thủy điện của hệ thống sông Hồng (11 triệu kW) chiếm hơn 1/3 trữ năng thủy điện của cả nước. Riêng sông Đà chiếm gần 6 triệu kW. Nguồn thủy năng lớn này đang được khai thác. Nhà máy thủy điện Thác Bà trên sông Chảy có công suất thiết kế là 110 nghìn kW. Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà có công suất thiết kế là 1,9 triệu kW. Chính phủ hiện đang xây dựng một số nhà máy thủy điện lớn như nhà máy thủy điện Sơn La (trên sông Đà) với công suất là 3,6 triệu kW, thủy điện Đại Thị (trên sông Gâm) 250 nghìn kW…

- Thế mạnh về cây công nghiệp, cây dược liệu, các loại rau quả cận nhiệt và ôn đới:

Trung du và miền núi phía bắc có phần lớn diện tích là đất feralit trên đá phiến, đá vôi và các đá mẹ khác, ngoài ra còn có đất phù sa cổ (ở vùng trung du). Nơi đây có khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, có mùa đông lạnh, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện địa hình vùng núi. Bởi vậy, trung du và miền núi phía bắc có thế mạnh đặc biệt để phát triển các cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới. Đây chính là vùng chè lớn nhất cả nước, với các loại chè thơm ngon nổi tiếng ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La.

Ở các vùng núi giáp biên giới của Cao Bằng, Lạng Sơn, cũng như trên vùng núi cao Hoàng Liên Sơn, điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho việc trồng các cây thuốc quý (tam thất, đương quy, đỗ trọng, hồi, thảo quả…) và các cây ăn quả như mận, đào, lê. Ở Sa Pa có thể trồng rau mùa đông và sản xuất hạt giống quanh năm.

- Thế mạnh về chăn nuôi gia súc:

Trung du và miền núi phía bắc có nhiều đồng cỏ, chủ yếu là trên các cao nguyên ở độ cao 600 – 700m. Các đồng cỏ thường không lớn. Tuy vậy ở đây có thể phát triển chăn nuôi trâu, bò (lấy thịt và lấy sữa), ngựa, dê. Bò sữa được nuôi tập trung ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).

3- Khu vực bắc trung bộ:

- Vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam gồm có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Vùng Bắc Trung Bộ có tính chất chuyển tiếp giữa các vùng kinh tế phía Bắc và các vùng kinh tế phía Nam. Phía tây là sườn đông Trường Sơn, giáp nước Lào có đường biên giới dài 1.294km với các cửa khẩu Quan Hóa, Lang Chánh (Thanh Hóa), Kỳ Sơn (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh), tạo điều kiện giao lưu kinh tế với Lào và các nước Đông Nam Á trên lục địa; phía đông hướng ra biển đông với tuyến đường bộ ven biển dài 700km, với nhiều hải sản và có nhiều cảng nước sâu có thể hình thành các cảng biển. Vùng có nơi hẹp nhất là Quảng Bình (50km), nằm trên trục giao thông xuyên Việt là điều kiện thuận lợi giao lưu kinh tế với các tỉnh phía bắc và phía nam. Toàn vùng có 41.686,2km2, chiếm 12,6% diện tích của cả nước, dân số toàn vùng là 8.467 triệu người, chiếm 9,5% dân số cả nước.

Địa hình bắc trung bộ

- Vùng kinh tế Bắc Trung Bộ nằm trên trục giao thông bắc nam về đường sắt, đường bộ; nhiều đường ô tô hướng đông tây (quốc lộ 7, 8, 9, 29) nối Lào với biển Đông. Có hệ thống sân bay (Vinh, Đồng Hới, Phú Bài), bến cảng (Nghi Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Gianh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Thuận An, ...) tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu kinh tế giữa các tỉnh, các vùng và quốc tế, đặc biệt với Lào, đông bắc Thái Lan, Mianma,...

Biển bắc trung bộ

- Bắc Trung Bộ có tài nguyên khoáng sản đa dạng, chiếm khoảng 60% trữ lượng quặng sắt, 80% thiếc, 100% Cronit, 40% đá vôi so toàn quốc. Trong vùng có một số mỏ khoáng sản có giá trị như mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), mỏ crômit Cổ Định (Thanh Hóa), mỏ thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An). Xếp theo trữ lượng thì hàng đầu là đá, sắt, sau đó đến thiếc, cao lanh,... dầu mỏ khí đốt có nhiều triển vọng. Đây là cơ sở tốt cho công nghiệp khai khoáng luyện kim, vật liệu xây dựng đưa Bắc Trung Bộ trở thành vị trí nổi bật về ngành công nghiệp.

4- Khu vực miền trung:

a) Vị trí chiến lược:

Vị trí chiến lược của miền trung

Trải dài trên 1.500km bờ biển, miền trung Việt Nam có vị trí địa lý rất lý tưởng, cách đều hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh), nằm trên trục giao thông quốc gia Bắc - Nam về cả đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không, đồng thời gần các tuyến hàng hải, vận tải biển quốc tế. Đặc biệt, khu vực này là điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), dài 1.450km nối từ Myanmar qua Thái Lan và Lào, cửa ngỏ quan trọng ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Do vậy, miền trung Việt Nam có lợi thế so sánh để phát triển một số ngành kinh tế biển có thể tạo động lực cho sự phát triển của khu vực như dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, dịch vụ logistics (gồm cả trung chuyển tại sân bay và cảng biển), đầu tư kinh doanh các resort, khu du lịch - dịch vụ cao cấp ven biển,…

Cảng Đà Nẵng - Điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC)

b) Cơ sở hạ tầng đang phát triển:

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

Miền trung Việt Nam là nơi tập trung hàng loạt sân bay đang được đầu tư nâng cấp, trong đó có 3 sân bay quốc tế là Đà Nẵng (lớn thứ 3 của cả nước), Cam Ranh (Khánh Hòa) và Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), cùng nhiều sân bay quốc nội khác như Chu Lai (Quảng Nam), Phù Cát (Bình Định), Đông Tác (Phú Yên), Pleiku (Gia Lai) và Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Riêng Chu Lai được Chính phủ quy hoạch phát triển thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế của Việt Nam và khu vực.

Biển miền trung

Với lợi thế bờ biển dài với nhiều vịnh nước sâu, miền trung Việt Nam sẵn có nhiều cảng biển đã và đang được đầu tư nâng cấp và hoàn thiện về hạ tầng bao gồm Tiên Sa (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Kỳ Hà (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), Cam Ranh và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa).

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh

Miền trung Việt Nam đã hình thành một hệ thống đô thị đang phát triển nhanh với các thành phố lớn như Đà Nẵng, Huế và Nha Trang. Khu vực này có 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng (cả nước có 3 khu công nghệ cao), tập trung hàng loạt khu kinh tế trọng điểm của cả nước như Đông Nam Quảng Trị, Chân Mây Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên, Vân Phong, các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, Lao Bảo, Lệ Thanh, Nam Giang, A Đớt,… và gần 50 khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng đang được nâng cấp và hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

c) Chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư hấp dẫn:

Có thể nói miền trung Việt Nam là nơi tập trung hầu hết các khu kinh tế, KCN với cơ chế mở, thủ tục đầu tư rất thông thoáng cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội về thời gian và giá thuê đất, cơ sở hạ tầng, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung ứng lao động,… Đến nay, một số KCN cơ bản được lấp đầy như Phú Bài (Thừa Thiên – Huế), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam), Tịnh Phong (Quảng Ngãi), Phú Tài (Bình Định), Đông Bắc Sông Cầu (Phú Yên), Hàm Rồng (Gia Lai), Hòa Bình (Kon Tum),…

Lễ động thổ xây dựng khu công nghiệp Nhơn Hội B, Quy Nhơn

d) Giàu tài nguyên và thắng cảnh du lịch nổi tiếng:

Kinh đô Huế

Đến với miền trung Việt Nam, nhà đầu tư sẽ thuận lợi khi tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú như vùng biển có nguồn thủy hải sản lớn có giá trị kinh tế cao, nhiều đồng muối, mỏ cát, nhất là cát trắng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp kính và pha lê. Ở núi rừng có nhiều cây gỗ quý và cây làm thuốc có giá trị kinh tế cao như quế, hồi, thông, trầm, sâm, nhất là sâm Ngọc Linh (Quảng Nam, Kon Tum) được đánh giá có giá trị dinh dưỡng cao. Khu vực này có trữ lượng khoáng sản lớn gồm vàng, titan, bô-xít, wonfram, thiếc, kaolanh, đá vôi, than đá, dầu mỏ, khí đốt,…

Vịnh miền trung

Miền trung Việt Nam là khu vực tập trung hàng loạt di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được Tổ chức văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận như cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên,... Khu vực này có nhiều quần thể bãi biển và vịnh đẹp như Nha Trang (Khánh Hòa), Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế),… Biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Vịnh Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh biển đẹp nhất trên thế giới. Chính những lợi thế vượt trội này tạo cho miền trung Việt Nam có điều kiện thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến phát triển ngành du lịch, dịch vụ cao cấp, đặc biệt là các dự án bất động sản, chuỗi resort, biệt thự, khu du lịch nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu giải trí cho người nước ngoài,...

e) Nguồn lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh:

Công nhân sản xuất

Miền trung Việt Nam là khu vực có nguồn lao động dồi dào, chủ yếu là lao động trẻ, khỏe, cần cù, thân thiện và hiếu học, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại, song chi phí nhân công lại thấp hơn so với các khu vực, địa phương và tỉnh thành khác.

Nguồn lao động của miền trung

5- Khu vực phía nam:

Tổng quan về thành phố Hồ Chí Minh

Là địa bàn chiến lược và năng động của một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, khu vực phía nam Việt Nam đang được xem như là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chiếm 23% diện tích cả nước với 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực phía Nam thu hút 57,5% vốn FDI của cả nước.

Không phải ngẫu nhiên, những lợi thế về địa chính trị cộng thêm tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn lực dồi dào là những điểm nổi bật của khu vực. Với trữ lượng dầu khí chiếm 90% và là vựa lúa lớn nhất của cả nước, vô số vườn cây ăn trái, tài nguyên sông nước phong phú bậc nhất, khu vực phía nam là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu nông nghiệp, thủy sản, hải sản,… dồi dào cho các ngành công nghiệp chế biến.

Chiếm 37% dân số của cả nước, với lực lượng lao động trẻ, thông minh, năng động và ham học hỏi, chi phí lao động hợp lý đang được xem là những ưu thế cạnh tranh của khu vực phía nam.

Bên cạnh đó, đây cũng là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước; là nơi kết nối với thị trường nước ngoài thông qua hàng chục cảng biển, cùng với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với công suất trên 10 triệu hành khách mỗi năm. Ngoài ra, khu vực phía nam còn có hàng nghìn km đường thủy nội địa, giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải rộng khắp khu vực.

Được xem như là một nhân tố phát triển quan trọng của Việt Nam, khu vực phía nam là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với môi trường đầu tư hấp dẫn, với chính quyền địa phương năng động, đã và đang tạo nên những điều kiện thuận lợi và cơ hội tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Back to top