Sản phẩm

Tư vấn góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Lĩnh vực : Doanh nghiệp

Vị trí : Tất cả

Góp vốn là việc đưa tài sản vào pháp nhân hoặc vào dự án đầu tư để kinh doanh sinh lợi. Người góp vốn sẽ trở thành chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu pháp nhân hoặc chủ đầu tư dự án. Tài sản dùng để góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc các tài sản hợp pháp khác như vàng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất…

Theo quy định của pháp luật, có hai hình thức góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Cụ thể như sau:

- Góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Trường hợp này, tổ chức, doanh nghiệp nhận vốn góp sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của bộ luật dân sự;

- Góp vốn để thành lập pháp nhân mới hoặc cùng sản xuất kinh doanh với pháp nhân đã được thành lập trước đó. Trường hợp này, pháp nhân sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

1) Điều kiện thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất:

Người sử dụng đất được thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

  • Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Đất không có tranh chấp;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

Ngoài các điều kiện quy định nêu trên, người sử dụng đất khi thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định khác của luật đất đai.

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

2) Điều kiện nhận góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp:

Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhận góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án;
  • Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận góp vốn quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  • Đối với đất chuyên trồng lúa nước thì phải thực hiện theo quy định tương ứng của luật đất đai.

3) Sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thông qua hình thức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất:

Việc sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thông qua hình thức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

  • Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố;
  • Trên địa bàn không còn quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phù hợp, trừ trường hợp các dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư.

Trường hợp diện tích đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì chủ đầu tư được phép thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất của người đang sử dụng đất, nhà nước thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án. Nội dung hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất phải thể hiện rõ người bán tài sản tự nguyện trả lại đất để nhà nước thu hồi đất và cho người mua tài sản thuê đất.

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  • Hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
  • Một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn;
  • Bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật;
  • Bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc doanh nghiệp, liên doanh bị tuyên bố phá sản, giải thể;
  • Cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết, bị tuyên bố mất tích, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị cấm hoạt động trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân đó thực hiện;
  • Pháp nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chấm dứt hoạt động mà hợp đồng góp vốn đó do pháp nhân đó thực hiện.

Hiện nay, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa có sự thống nhất trong các quy định của bộ luật dân sự, luật đất đai và luật doanh nghiệp. Việc thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn để xảy ra nhiều sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia góp vốn. Vì vậy, người tham gia góp vốn nên tham khảo ý kiến của các đơn vị chuyên môn trước khi thực hiện việc góp vốn theo quy định của pháp luật.

Back to top