09/05/2023 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy
Từ một vụ án cụ thể về yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động do công ty chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và thay đổi phương án sử dụng lao động, nhóm tác giả phân tích các tình tiết, quy định của pháp luật liên quan và đưa ra quan điểm về hướng giải quyết vụ án này.
Ngày 8/4/2020, bà Nguyễn Thị H ký hợp đồng lao động với Công ty cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản V, địa chỉ tại thôn H, xã T, huyện Y, tỉnh B (sau đây gọi là Công ty V); thời hạn hợp đồng là 24 tháng, kể từ ngày 13/3/2020 đến ngày 12/3/2022; công việc là chuyên viên nhân sự. Mức lương theo hợp đồng gồm 3 khoản: Mức lương theo công việc hoặc theo chức danh là 4.973.000 đồng/tháng; phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định theo quy định của công ty tại từng thời điểm. Mức lương thực tế bà H nhận hàng tháng là 20.000.000 đồng.
Ngày 2/3/2021, bà H nhận được quyết định số 06/2021 của giám đốc Công ty V về việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bà H kể từ ngày 3/3/2021 với lý do: “Phương án sử dụng lao động được ký ngày 1/3/2021 của Công ty cổ phần tập đoàn M xác định do công ty khó khăn về việc không sắp xếp được công việc cho một số lao động khi thực hiện hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, nên cần chấm dứt hợp đồng lao động, bà H thuộc diện dôi dư phải chấm dứt hợp đồng”.
Ngày 19/4/2021, tài khoản cá nhân của bà H nhận được 34.000.235 đồng từ tài khoản của Công ty V, bởi Công ty V cho rằng đó là tiền lương các tháng 2, 3/2021 và tiền trợ cấp mất việc làm cho bà H. Không đồng ý với quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, ngày 20/4/2021, bà H đã có ý kiến đề nghị Công ty V nhận bà trở lại làm việc vì bà không thuộc trường hợp dôi dư.
Ngày 22/4/2021, ban hành chính nhân sự Công ty cổ phần tập đoàn M trả lời không thay đổi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ban hành ngày 3/3/2021 đối với bà H, Công ty V đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán chế độ khi chấm dứt hợp đồng lao động, chốt và bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho bà H theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 8/11/2021, Tòa án nhân dân huyện Y thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của bà H đề nghị: Hủy quyết định số 06/2021 về việc chấm dứt hợp đồng lao động ngày 2/3/2021 của Công ty V, bởi đây là quyết định trái pháp luật; yêu cầu Công ty V bồi thường cho bà H số tiền 461.640.188 đồng; buộc Công ty V có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân cho bà H theo đúng quy định của pháp luật.
Tại bản án số 01/2022/LĐ-ST ngày 3/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện Y tuyên: “1) Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị H đối với Công ty V về hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 06/2021 ngày 2/3/2021; yêu cầu Công ty V bồi thường 60.000.000 đồng tiền lương trong những ngày không được làm việc (từ 3/3/2021 đến ngày 3/6/2021); tiền đóng thiếu bảo hiểm xã hội, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương 20.000.000 đồng là 64.500.000 đồng; tiền do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật 40.000.000 đồng; tiền lương trong những ngày Công ty V không báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động 18.333.333 đồng. 2) Chấp nhận một phần yêu cầu của chị Nguyễn Thị H về việc yêu cầu Công ty V phải trả cho chị H số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đóng thiếu, buộc Công ty V phải trả cho chị Nguyễn Thị H số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đóng thiếu của các tháng 3, 4/2020 là 74.000 đồng...”.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST, ngày 8/6/2022, bà H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh B xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Y do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; đường lối giải quyết vụ án không căn cứ vào hồ sơ vụ án và áp dụng sai các quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo; bị đơn không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H về yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 06/2021; xem xét chấp nhận một phần yêu cầu buộc Công ty V bồi thường các khoản lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bản án lao động phúc thẩm số 01/2022/LĐ-PT ngày 12/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh B quyết định: “Không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị H; giữ nguyên bản án lao động số 01/2022/LĐ-ST ngày 3/06/2022 của Tòa án nhân dân huyện Y...”.
Vụ án trên có các ý kiến trái chiều như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, bản án sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST và bản án phúc thẩm số 01/2022/LĐ-PT là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, Công ty V chấm dứt hợp đồng lao động với bà H là do có sự chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Công ty cổ phần tập đoàn M là chủ sở hữu). Nói cách khác, để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty V phải thay đổi chiến lược hoạt động và cơ cấu nhân sự cho phù hợp với yêu cầu của chủ sở hữu (Công ty V phải thực hiện theo yêu cầu và phương án sử dụng lao động của chủ sở hữu là Công ty cổ phần tập đoàn M). Công ty V thừa nhận không có hoạt động hợp nhất hay sáp nhập. Khi làm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà H, Công ty V có một số sai sót về câu chữ trong phương án sử dụng lao động, nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất là Công ty V có sự chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Quyết định của Công ty V về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà H thực hiện theo điều 43 bộ luật lao động năm 2019; thanh toán tiền trợ cấp mất việc làm theo khoản 1 điều 47 bộ luật lao động năm 2019 và điều 8 nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động là đảm bảo đúng quy định.
Ý kiến thứ hai cho rằng, việc Công ty V chấm dứt hợp đồng lao động với bà H là không có cơ sở và trái quy định của pháp luật. Bởi lẽ, về lý do chấm dứt hợp đồng lao động với bà H theo quyết định số 06/2021 của Công ty V, điều 43 bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại điều 44 của bộ luật này”. Theo đó, Công ty V phải là chủ thể xây dựng phương án sử dụng lao động của công ty mình, việc Công ty V lấy phương án sử dụng lao động của một pháp nhân khác (Công ty M) ký ngày 1/3/2021 để chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động của công ty mình là không đúng quy định. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án từ sơ thẩm đến phúc thẩm, Công ty V cũng thừa nhận không có việc Công ty V hợp nhất, sáp nhập với các doanh nghiệp khác mà chỉ có sự “chuyển đổi loại hình doanh nghiệp”; trong khi đó, phương án sử dụng lao động của Công ty M ký ngày 1/3/2021 lại là do “hợp nhất, sáp nhập”.
Tác giả đồng tình với ý kiến thứ hai, bởi các lý do sau:
Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 06/2021 ngày 2/3/2021 của Công ty V thể hiện lý do chấm dứt với bà H là: “Theo phương án sử dụng lao động Công ty V ký ngày 1/3/2021 với Công ty CP tập đoàn M”.
Lý do để chấm dứt hợp đồng lao động với bà H mà bị đơn đưa ra là do có sự chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Công ty M là chủ sở hữu nên Công ty V phải thay đổi chiến lược hoạt động và cơ cấu nhân sự cho phù hợp với yêu cầu của chủ sở hữu. Công ty V phải thực hiện theo yêu cầu và phương án sử dụng lao động của chủ sở hữu (Công ty M).
Như vậy, theo lời trình bày của bị đơn thì Công ty V chấm dứt hợp đồng lao động với bà H là do chủ sở hữu (Công ty M) yêu cầu. Trong trường hợp này, tòa án cần tiến hành lấy lời khai của người đại diện Công ty M để làm rõ các vấn đề: Tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động thì Công ty V có đang chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hay không? Việc chấm dứt hợp đồng với người lao động là do Công ty M yêu cầu hay do Công ty V tự ý, từ đó đưa Công ty M vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo điều 68 bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm cho rằng, nguyên đơn không trình bày được mục đích của việc đưa Công ty M tham gia tố tụng, lập luận không có cơ sở và không có tính thuyết phục, không phù hợp với quy định của pháp luật, nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Mặt khác, tài liệu do nguyên đơn cung cấp thể hiện: Ngày 17/12/2020, Công ty V thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần thứ 11 (từ Công ty cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản V thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác và chế biến khoáng sản V có chủ sở hữu là Công ty cổ phần tập đoàn M, người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Thanh B). Ngày 13/1/2021, Công ty V thay đổi lần thứ 12 và cũng thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Vũ Thanh B sang ông Lê Việt A, giám đốc công ty.
Cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều căn cứ vào đăng ký thay đổi lần thứ 12 (ngày 13/1/2021) để cho rằng Công ty V chấm dứt hợp đồng lao động với bà H là đúng quy định. Tuy nhiên, tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà H, Công ty V và Công ty M vẫn là 2 pháp nhân độc lập. Xét về mối quan hệ, Công ty M là công ty mẹ, Công ty V là công ty con. Hai công ty này chỉ có mối quan hệ qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp, không có quan hệ chi phối lẫn nhau về việc ký hợp đồng lao động, sử dụng người lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Theo các điều 194, 195, 196 luật doanh nghiệp năm 2020, trong số các quyền và nghĩa vụ của công ty mẹ đối với công ty con thì công ty mẹ không có quyền lập phương án sử dụng lao động và yêu cầu công ty con phải thực hiện.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 điều 44 bộ luật lao động năm 2019: “Khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua”. Theo đó, người sử dụng lao động phải thông báo công khai cho người lao động về phương án sử dụng lao động. Tuy nhiên, ngày 1/3/2021, Công ty V thực hiện theo phương án sử dụng lao động của Công ty M; đến ngày 2/3/2021, Công ty V đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà H. Công ty V đã không thông báo cho bà H biết phương án sử dụng lao động là vi phạm điều 44 bộ luật lao động năm 2019.
Như vậy, từ những lập luận trên, tác giả cho rằng: Công ty V ban hành quyết định số 06/2021 ngày 2/3/2021 chấm dứt hợp đồng lao động với bà Nguyễn Thị H là trái quy định của pháp luật. Do đó, yêu cầu hủy quyết định số 06/2021 của nguyên đơn là có cơ sở.
Trên đây là một số ý kiến khác nhau về việc giải quyết vụ án này. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của bạn đọc trong và ngoài ngành.
Lê Thị Hồng Hạnh – Trần Hạnh Thảo
(Tạp chí kiểm sát)