Lĩnh vực : Doanh nghiệp
Vị trí : Tất cả
Khi tiến hành hoạt động M&A, doanh nghiệp cần lưu ý một số điều khoản cơ bản trong hợp đồng như giá mua bán, phương thức và thời gian thanh toán, thời gian thực hiện… để hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp.
Đối với hợp đồng mua bán doanh nghiệp, do bên mua thường là chủ thể tiến hành soạn thảo nên nội dung hợp đồng thường mang bản chất ưu đãi hơn nghiêng về phía bên mua. Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, đồng thời bảo đảm giao dịch có thể được thực hiện, doanh nghiệp cần lưu ý những nội dung như sau:
Cần ghi rõ thông tin của các bên như tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật, số chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) của người đại diện theo pháp luật, mã số doanh nghiệp…theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư để đảm bảo đúng thông tin và thẩm quyền ký kết.
Cần ghi rõ tổng giá trị của hợp đồng. Doanh nghiệp lưu ý đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng, trừ một số trường hợp được nhà nước cho phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Các bên cần ghi rõ phương thức thanh toán (tiền mặt hoặc chuyển khoản) và thời gian thanh toán cụ thể với số tiền thanh toán của từng đợt. Để đảm bảo an toàn, các bên nên yêu cầu một tổ chức uy tín có thẩm quyền thực hiện dịch vụ tài chính trung gian. Bên thứ ba này sẽ đứng ra đảm bảo các bên trong hợp đồng thực hiện đúng thỏa thuận và hợp pháp.
Đối với bên mua, cần quy định rõ những điều kiện kèm theo và thời điểm cụ thể trong tiến trình M&A để bên bán thực hiện nghĩa vụ trong việc chuyển giao tài sản theo quy định của hợp đồng.
Các bên cần chi tiết hóa các nghĩa vụ trong giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện hợp đồng cũng như thời điểm chấm dứt cụ thể.
Các bên có thể dự trù các tình huống đối phương có thể vận dụng để không thực hiện hợp đồng mà soạn thảo những điều khoản thích hợp, như trách nhiệm của bên mua khi không thanh toán, hoặc trách nhiệm của bên bán khi không chuyển giao đối tượng của hợp đồng.
Trong hợp đồng cần quy định rõ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và chấm dứt, hoặc những căn cứ phát sinh dẫn đến hợp đồng chấm dứt hiệu lực.
Tranh chấp có thể được đưa ra tòa án có thẩm quyền hoặc trọng tài thương mại để giải quyết.
Hợp đồng cần có quy định bên bán phải khẳng định và cam kết về các khoản nợ của doanh nghiệp. Việc này nhằm hạn chế tranh chấp và rủi ro đối với bên mua.
Ngoài các điều khoản cơ bản nêu trên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề như sau: Nguyên tắc hợp tác, phương án sử dụng lao động, lưu ý đối với một số cụm từ như “trừ những thiếu sót không đáng kể mà không gây ra tổn thất hay trách nhiệm pháp lý đối với”, “hợp đồng chấm dứt khi các bên hoàn thành các công việc và nghĩa vụ quy định trong hợp đồng”…
Trên đây là một số điều khoản quan trọng trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp mà Văn phòng luật sư Bảo An mong muốn các nhà đầu tư lưu ý khi có ý định mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam.