Sản phẩm

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động

Lĩnh vực : Lao động

Vị trí : Tất cả

Tranh chấp lao động là những mâu thuẫn về quyền lợi, nghĩa vụ phải thực hiện giữa người lao động với người sử dụng lao động. Tranh chấp lao động có thể xảy ra giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động về các nội dung trong hợp đồng lao động, nội quy lao động hoặc tranh chấp giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động về các nội dung trong thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động.

1) Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thông thường:

Khi xảy ra tranh chấp lao động cá nhân, trước hết hai bên tranh chấp sẽ tự thương lượng tại nơi xảy ra tranh chấp. Nếu thương lượng không thành hoặc từ chối thương lượng thì mỗi bên tranh chấp đều có quyền yêu cầu hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động giải quyết. Nếu hòa giải thành thì hai bên tranh chấp phải chấp hành những thỏa thuận đã đạt được ghi trong biên bản hòa giải thành. Trường hợp hòa giải không thành hoặc hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải trong thời hạn luật định (3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu) thì mỗi bên đều có quyền yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục được quy định tại bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

2) Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân rút ngắn:

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân rút ngắn được áp dụng đối với các vụ tranh chấp lao động cá nhân quy định tại khoản 2 điều 166 bộ luật lao động (tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; tranh chấp về bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản 2 điều 151 của bộ luật lao động; tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Điểm khác biệt của thủ tục này so với thủ tục thông thường là trước khi yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết, các bên không nhất thiết phải đưa vụ tranh chấp của mình ra hòa giải tại hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động. Sau khi thương lượng không thành hoặc từ chối thương lượng, các bên tranh chấp có quyền kiện thẳng ra tòa án nhân dân có thẩm quyền.

3) Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền xảy ra tại các doanh nghiệp không bị cấm đình công:

Khi tranh chấp lao động tập thể về quyền xảy ra tại các doanh nghiệp không bị cấm đình công, các bên tự thương lượng giải quyết. Nếu thương lượng không thành hoặc từ chối thương lượng, các bên có quyền yêu cầu hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động giải quyết. Trường hợp hòa giải không thành hoặc hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải trong thời hạn luật định (3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu) thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Sau khi chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện đã có quyết định xử lý hành vi vi phạm của các bên mà các bên vẫn tiếp tục tranh chấp hoặc đã hết 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu mà chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì mỗi bên đều có quyền yêu cầu tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục quy định tại bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Riêng tập thể lao động nếu không yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết thì có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

4) Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động về lợi ích xảy ra tại các doanh nghiệp không bị cấm đình công:

Thủ tục thương lượng và hòa giải tại cơ sở cũng được áp dụng đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Sau khi hòa giải không thành hoặc hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải trong thời hạn luật định thì các bên có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết. Nếu hội đồng trọng tài lao động hòa giải không thành hoặc đã hết 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu mà hội đồng trọng tài lao động không tiến hành hòa giải thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công (trong trường hợp này các bên không có quyền yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết).

5) Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền và/hoặc về lợi ích xảy ra tại các doanh nghiệp bị cấm đình công:

Theo quy định của pháp luật lao động, khi xảy ra bất đồng về quyền và lợi ích giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp bị cấm đình công (danh mục doanh nghiệp bị cấm đình công do nhà nước quy định) thì hai bên tự thương lượng giải quyết. Nếu thương lượng không thành thì theo báo cáo của các bên, sở lao động thương binh và xã hội, liên đoàn lao động cấp tỉnh hoặc bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp cùng hai bên giải quyết. Trường hợp giải quyết không được thì mỗi bên đều có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết. Sau khi nhận được đơn yêu cầu của các bên, hội đồng trọng tài lao động sẽ tổ chức hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành thì hội đồng trọng tài lao động sẽ ra quyết định về vụ tranh chấp lao động tập thể. Các bên có quyền yêu cầu tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết tranh chấp theo thủ tục quy định tại bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 nếu không đồng ý với quyết định của hội đồng trọng tài lao động hoặc trường hợp đã hết 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu mà hội đồng trọng tài lao động không giải quyết.

6) Thủ tục giải quyết hiện tượng ngừng việc tạm thời của người lao động khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về quyền:

Giải quyết hiện tượng ngừng việc tạm thời của người lao động khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về quyền thực chất là giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Thủ tục giải quyết hiện tượng này được quy định tại khoản 3 điều 159 bộ luật lao động và điều 15 nghị định số 133/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007. Khi xảy ra hiện tượng ngừng việc tạm thời của người lao động do có tranh chấp lao động tập thể về quyền, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện là người có trách nhiệm giải quyết (xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động...), động viên người lao động trở lại làm việc. Nếu hai bên không đồng ý với phương án giải quyết thì chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo bằng văn bản với chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi cho sở lao động thương binh và xã hội, liên đoàn lao động tỉnh và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong tỉnh để phối hợp xử lí.

7) Thủ tục giải quyết yêu cầu của tập thể lao động trong trường hợp phải hoãn hoặc ngừng đình công theo quyết định của thủ tướng Chính phủ:

Khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân hoặc lợi ích công cộng, thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định hoãn hoặc ngừng cuộc đình công đó (quy định tại điều 176 bộ luật lao động). Lúc này vấn đề đặt ra là phải giải quyết yêu cầu của tập thể lao động khi thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công (thực chất cũng là giải quyết nội dung của vụ tranh chấp lao động tập thể). Thủ tục giải quyết yêu cầu của tập thể lao động trong trường hợp này được quy định tại mục 2 nghị định số 12/2008/NĐ-CP ngày 30/1/2008 (hướng dẫn thi hành điều 176 bộ luật lao động về hoãn hoặc ngừng cuộc đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động). Nếu nguyên nhân đình công là do tranh chấp lao động tập thể về quyền thì thủ tướng Chính phủ giao chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Nếu nguyên nhân của đình công là do tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì thủ tướng Chính phủ giao cho chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu các bên thương lượng, hòa giải có sự tham gia của sở lao động thương binh và xã hội, liên đoàn lao động tỉnh (điều 7 nghị định 12/2008/NĐ-CP ngày 30/1/2008).

8) Thủ tục giải quyết thiệt hại do đình công bất hợp pháp gây ra:

Theo quy định của pháp luật lao động thì trong trường hợp cuộc đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì người lao động phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động không chấp nhận mức bồi thường do người sử dụng lao động yêu cầu thì hai bên tự thương lượng để thống nhất mức bồi thường thiệt hại. Nếu thương lượng không thành hoặc phía người lao động từ chối thương lượng thì người sử dụng lao động có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại theo thủ tục do bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định.

Back to top