Sản phẩm

Thủ tục thành lập công ty hợp danh

Lĩnh vực : Doanh nghiệp

Vị trí : Tất cả

1) Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định tại phụ lục I-5 thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT;

- Điều lệ công ty (có họ, tên và chữ ký của các thành viên hợp danh);

- Danh sách thành viên theo mẫu quy định tại phụ lục I-9 thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT;

- Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

  • Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại điều 10 nghị định số 78/2015/NĐ-CP đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân;
  • Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại điều 10 nghị định số 78/2015/NĐ-CP của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2) Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để có thể chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục sau:

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại điều 28 luật doanh nghiệp, khoản 2 điều 1 nghị định số 05/2013/NĐ-CP và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.

- Sau khi có mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại cơ quan thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của cục thuế tỉnh/thành phố (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế…).

- Doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện thủ tục khắc dấu cần liên hệ với cơ quan liên quan và cơ quan công an để thực hiện thủ tục khắc dấu, đăng ký mẫu dấu theo quy định tại nghị định số 58/2001/NĐ-CP.

- Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp liên hệ cơ quan quản lý chuyên ngành để được hướng dẫn cụ thể.

3) Nghĩa vụ của doanh nghiệp mới thành lập:

- Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

- Trường hợp phát hiện nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa chính xác so với nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp gửi thông báo yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh hiệu đính cho phù hợp. Việc tự ý thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Treo biển tại trụ sở của doanh nghiệp.

- Khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký thay đổi kịp thời và chính xác trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi.

- Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán.

- Đăng kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

- Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.

- Thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định; khi phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.

- Lưu giữ các tài liệu của doanh nghiệp tại trụ sở chính của doanh nghiệp theo quy định tại điều 12 luật doanh nghiệp.

(Quy định tại điều 9, điều 28 luật doanh nghiệp)

Back to top