22/05/2024 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy
ANTD.VN - Sau khi Trương Mỹ Lan trong vụ Vạn Thịnh Phát và một số bị cáo ở vụ án khác bị tuyên án tử hình, điều nhiều người quan tâm là ai sẽ có trách nhiệm bồi thường thay phần dân sự của các bị cáo này?
Điều 584 bộ luật dân sự 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Do đó, trong vụ án hình sự mà người phạm tội gây thiệt hại thì ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự vẫn phải bồi thường dân sự nếu xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của bị hại, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết.
Khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, chấp hành viên phải ra các quyết định thi hành án và tống đạt lên trại giam cho người phải thi hành án. Chấp hành viên phải xác minh xem người phải thi hành án có tài sản như nhà, đất… để kê biên đảm bảo thi hành án.
Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ Vạn Thịnh Phát đã bị tuyên án tử hình
Trường hợp người phạm tội bị tuyên án tử hình nhưng không tự nguyện bồi thường, cũng không có thân nhân thực hiện thay thì người phải thi hành án có thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án) để thi hành án theo khoản 1 điều 45 luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014.
Nếu trong vòng 10 ngày mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án có tài sản thì chấp hành viên phải xác minh tài sản và quyết định cưỡng chế.
Cơ quan thi hành án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại điều 71 luật thi hành án dân sự năm 2008 để thực hiện việc bồi thường dân sự gồm:
Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; khai thác tài sản của người phải thi hành án;
Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 6 tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án...
Như vậy, khi bị kết án tử hình thì người phạm tội vẫn là người phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bị bị hại, người thân không có nghĩa vụ bồi thường thay cho người phạm tội trừ trường hợp tự nguyện, nếu người phạm tội không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người phải thi hành án đã thi hành án tử hình thì phần nghĩa vụ dân sự của họ sẽ được chuyển giao cho người thừa kế (nếu có để lại di sản) theo quy định của pháp luật về thừa kế; nếu không để lại di sản thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ đình chỉ thi hành án.
Việc thi hành án phần dân sự trong vụ án hình sự đối với người phải thi hành án bị kết án tử hình phụ thuộc phần lớn vào việc người này có tài sản để thi hành hay không, luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.