19/02/2022 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy
(TCT online) - Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư số 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, có hiệu lực từ 3/5/2021. Một trong những điểm đáng chú ý của thông tư đó là cho phép người nộp thuế (NNT) được thực hiện các giao dịch thuế điện tử 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ và lễ, tết.
Nhiều lựa chọn để thực hiện giao dịch
Thông tư gồm 5 chương, 49 điều hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Theo nội dung thông tư, NTT thực hiện các thủ tục hành chính thuế theo quy định của luật quản lý thuế bao gồm đăng ký thuế, khai nộp thuế; nộp thuế; xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế; tra soát thông tin nộp thuế; thủ tục bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; hoàn thuế; miễn thuế, giảm thuế; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp; khoanh tiền thuế nợ; xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ và các hồ sơ, văn bản khác.
Ngược lại, cơ quan thuế sẽ thực hiện gửi thông báo, quyết định và các văn bản khác cho NNT; các dịch vụ hỗ trợ NNT bao gồm tra cứu thông tin, thông tin phụ thuộc; tra cứu nghĩa vụ thuế; cung cấp thông tin cho NNT; tiếp nhận và trả lời vướng mắc của NNT và các dịch vụ hỗ trợ khác…
Để thực hiện được giao dịch điện tử, NNT phải có khả năng truy cập và sử dụng internet, có địa chỉ thư điện tử, có chữ ký số hoặc có số điện thoại di động được một công ty viễn thông ở Việt Nam cấp và đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế (trừ trường hợp NNT lựa chọn phương thức nộp thuế điện tử theo quy định của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán).
Sẽ có nhiều phương thức cho NNT lựa chọn để thực hiện giao dịch thuế điện tử như qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế; cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin điện tử của Bộ tài chính đã được kết nối với cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế; cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác đã được kết nối với cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế; tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN được Tổng cục thuế chấp nhận kết nối với cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế; dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện nộp thuế điện tử.
Đáng chú ý, NNT có thể thực hiện các giao dịch thuế điện tử 24/7, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày tết. Ngược lại, thời gian cơ quan thuế gửi thông báo, quyết định, văn bản cho người nộp thuế được xác định là trong ngày nếu hồ sơ được ký gửi thành công trong cả 24 giờ mỗi ngày.
Quy định rõ quyền và trách nhiệm của NNT
Theo thông tư, NNT được sử dụng tài khoản giao dịch điện tử do cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp khi thực hiện giao dịch điện tử qua cổng thông tin giao dịch thuế điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính thuế; tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử đã gửi đến cơ quan thuế và các thông báo, quyết định cơ quan thuế gửi cho NNT theo quy định; cơ quan thuế hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
NNT khi thực hiện giao dịch thuế điện tử phải sử dụng chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Đồng thời, NNT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế, tổ chức có liên quan để giải quyết sai sót hoặc sự cố phát sinh (nếu có) trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin của giao dịch điện tử phát sinh từ tài khoản giao dịch thuế điện tử đã đăng ký với cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bao gồm cả tài khoản chính và tài khoản phụ)…
Cùng với việc quy định quyền và nghĩa vụ của NNT, thông tư cũng quy định trách nhiệm của ngân hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế cũng như trách nhiệm của cơ quan thuế. Cụ thể, thông tư bổ sung trách nhiệm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, ngoài việc phải thực hiện trách nhiệm theo quy định của luật quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn liên quan, các đơn vị có trách nhiệm trao đổi, truyền, nhận thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định tại nghị định hướng dẫn luật quản lý thuế số 38; khai thác và bảo mật thông tin của NNT do cơ quan thuế cung cấp bằng phương thức điện tử để sử dụng cho việc quản lý nhà nước, phối hợp thu NSNN.
Đồng thời, thông tư cũng bổ sung trách nhiệm của cơ quan thuế trong tiếp nhận thông tin từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống kết nối, trao đổi thông tin với cổng thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp đến hạn nộp hồ sơ thuế, nộp thuế mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật của NNT chưa khắc phục được sự cố, thì NNT thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng việc nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc qua đường bưu chính, nộp thuế trực tiếp tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước. Trường hợp lỗi hệ thống hạ tầng kỹ thuật của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì các đơn vị này phải có trách nhiệm thông báo cho NNT biết và phối hợp với Tổng cục thuế hỗ trợ kịp thời và có biện pháp khắc phục.
Đối với các giao dịch điện tử không thực hiện được do lỗi của cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ thuế, nộp thuế thì Tổng cục thuế có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử www.gdt.gov.vn và cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế.
(24/3/2021)