Nhận dạng tính cách con người

02/01/2022 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy

Trong môi trường xã hội, chúng ta thường gặp nhiều người thuộc các giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, học thức, thói quen, tính cách, hình thức khuôn mặt, ánh mắt, miệng, dáng đi, dáng đứng và những thói quen dị biệt khác… Là luật sư hay người hành nghề luật phải biết xác định rõ từng người để có cách tiếp xúc, xử sự và đối thoại, tranh luận cho phù hợp. Nếu xét về mặt hình thức, thì trong xã hội có những người được xếp theo từng nhóm cơ bản như:

a) Người sống nội tâm, ít thể hiện mình và nhất là ít hiện diện trước đám đông và ít khi nói về mình. Người thuộc nhóm này ít người khác biết, nhưng nếu có quan hệ với họ thì hoặc là sẽ học được ở họ nhiều điều bổ ích nhưng cũng có thể chẳng học được gì vì bản thân họ chẳng có gì để ta học.

b) Nhóm người thứ hai là người luôn luôn lặng lẽ trước đám đông, nhưng không lộ diện trước đám đông khi họ có mặt ở đó, họ không bao giờ ngồi trước người khác, mà ngồi trong góc nào đó và luôn luôn cố ý quan sát, lắng nghe, để ý người khác trước mặt mình không bỏ sót bất cứ hành động nào. Người này không phải là khiêm tốn, không phải là người biết lắng nghe, càng không phải là người thích học hỏi người khác, mà trái lại người này đang “ngắm bắn” người khác. Những người không từng trải, thiếu kinh nghiệm sống sẽ đánh giá sai người này và cho rằng người này là người tốt! Vì vậy, về mặt tiến thân thì người này có thể gặp may vì bề ngoài thì như vậy, nhưng trong nội tâm hoàn toàn trái ngược. Loại người này rất giỏi chiếm cảm tình cả người khác bằng những cách nói chuyện “thầm thì”, “dẻo dai” và kiên nhẫn “đi đêm về hôm” để đạt được mục đích của mình! Loại người này luật sư luôn luôn phải thận trọng khi tiếp xúc và phải kiểm chứng tất cả những gì họ nói để tránh sai lầm! Xung quanh chúng ta có rất nhiều người như vậy và luôn luôn tồn tại. Loại người này do hoàn cảnh sống, điều kiện sống từ tuổi ấu thơ tạo nên, không dễ gì thay đổi. Có thể có sự thay đổi do giáo dục, do tác động của những yếu tố tích cực, lành mạnh trong xã hội, nhưng khó có thể thay đổi hoàn toàn nếu bản thân người này không tự ý thức để rèn luyện thay đổi. Bác Hồ đã có bài thơ hay và mang tính triết học:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền

Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

c) Có những người luôn tự cho mình là trung tâm của vũ trụ. Cho nên bất kỳ ở đâu họ cũng khoe mình. Loại người này không giữ kín được bất kỳ một điều gì và hay nói chuyện của người khác, quan tâm đến đời sống riêng tư của người khác với tính thần không phải để học tập và xây dựng. Luật sư và người hành nghề luật phải luôn luôn biết phân biệt người có tính cách này, kiểm chứng mọi điều người này nói ra để tránh những điều phiền toái do người này gây nên. Người này có thể là người đồng bóng, người rỗng về kiến văn, chỉ biết yêu chính mình, không có được sự cảm thông với người khác. Nhưng họ lại có khiếu thuộc lĩnh vực khác vượt trội hơn trình độ chuyên môn, những người chưa hiểu sẽ đánh giá họ là người tốt. Luật sư phải hiểu được tâm tính của loại người này, để khi tiếp xúc, buộc phải tiếp xúc, đối thoại hay tranh luận thì sẽ tự chủ trong biểu hiện ngôn ngữ và khẩu khí cho phù hợp và mục đích của mình không bị ảnh hưởng.

(Trích: "Khẩu khí và thuật học hùng biện trong nghề luật").

PGS.TS Phùng Trung Tập

Trường đại học luật Hà Nội

Bài cùng chuyên mục
Back to top