Quy định rõ quyền tranh tụng tại tòa

16/10/2021 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy

Việt Nam đã và đang thực hiện cải cách nền hành chính, cải cách kinh tế và cải cách tư pháp, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Trong nền kinh tế thị trường tất yếu sẽ phát sinh ngày càng nhiều tranh chấp về dân sự mà tòa án phải giải quyết theo pháp luật.

Các đại biểu ngành tòa án, chuyên gia pháp luật góp ý tại hội thảo nghiên cứu về hòa giải tại tòa án Việt Nam

Bộ luật tố tụng dân sự (TTDS) năm 2004 đã quy định những nguyên tắc cơ bản trong TTDS, trình tự, thủ tục khởi kiện để tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động (gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự thủ tục yêu cầu để tòa án giải quyết các yêu cầu về dân sự (gọi là việc dân sự) tại tòa án.

Một vấn đề đặt ra khi có tranh chấp thì tòa án giải quyết theo trình tự thủ tục mang tính xét hỏi hay theo thủ tục tranh tụng dân chủ công khai, minh bạch, bình đẳng, theo đó để các đương sự tự quyết định yêu cầu, bảo vệ quyền lợi ích của mình thông qua việc nhà nước quy định cho họ có các quyền chủ động, tích cực tự định đoạt, quyết định việc giải quyết bảo vệ yêu cầu của mình trong quá trình TTDS. Việc chủ động được thể hiện như các bên có thể đối thoại, tự hòa giải, thương lượng trên cơ sở hệ thống pháp luật, được quy định xuyên suốt trong các giai đoạn tố tụng thì mới tạo cơ chế bảo đảm các quyền con người, quyền công dân tại tòa án.

Như vậy, việc tranh luận chỉ được thực hiện tại phiên tòa (phần tranh luận thực hiện trước khi hội đồng xét xử vào nghị án và tuyên án), khi đó các đương sự mới có cơ hội phát biểu tranh luận bảo vệ yêu cầu của mình (chưa quy định về tranh tụng). Còn các giai đoạn tố tụng trước đó cũng chưa có quy định cụ thể có quyền tranh luận hay không và tranh luận ở đâu, thủ tục thế nào, trong trường hợp nào...

Khi đã khởi kiện ra tòa thì việc tòa án xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa cũng nhằm tới tìm sự thật khách quan của quan hệ pháp luật đang tranh chấp, tìm chứng lý để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự. Tuy nhiên, vấn đề cải cách tư pháp là cần hướng tới các đương sự phải tự quyết định bảo vệ quyền và lợi ích của mình thông qua tranh tụng. Như vậy, người tham gia tố tụng (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) không ở thế bị động, phụ thuộc. Bằng việc các đương sự chủ động đưa ra các chứng cứ để chứng minh bảo vệ yêu cầu của mình thông qua tranh tụng. Từ đó, nếu đương sự không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng thì có thể chịu hậu quả pháp lý, và đương nhiên quyền lợi ích hợp pháp của mình có thể không được bảo vệ.

Thực hiện quyền tranh tụng, các đương sự có thể tự mình hoặc thông qua luật sư để thực hiện quyền của mình, mà không nhất thiết phải tự thực hiện nếu khả năng nhận thức pháp luật hạn chế. Ðể có thể thực hiện tốt quyền tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án, pháp luật tố tụng cần có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của bên khởi kiện (nguyên đơn) và bên bị kiện (bị đơn) và quy định các thủ tục pháp lý cần thiết để các đương sự có thể thực hiện được các quyền của mình theo pháp luật.

Ví dụ, khi giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục thông thường thì ngay từ khi nộp đơn khởi kiện theo mẫu của tòa án, người khởi kiện cùng với việc nộp đơn khởi kiện trong đó đã nêu căn cứ chứng minh yêu cầu, còn phải gửi kèm theo các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình thông qua kê khai các chứng cứ giao nộp cho tòa án. Ðây là quyền và cũng là nghĩa vụ của đương sự. Ngược lại, bên bị kiện cũng được pháp luật quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ, trong thời gian bao lâu (tính từ ngày nguyên đơn nộp đơn khởi kiện), bị đơn phải được biết đơn khởi kiện và các chứng cứ do nguyên đơn xuất trình chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ tại tòa án.

Ðồng thời, bị đơn phải có nghĩa vụ trả lời tòa án chấp nhận hay không chấp nhận các chứng cứ để chứng minh, phản tố lại những nội dung, yêu cầu do nguyên đơn nêu trong đơn khởi kiện và các chứng cứ do nguyên đơn đã cung cấp cho tòa án trước đó trong một thời gian do pháp luật quy định. Tuy nhiên, không loại trừ trong trường hợp, khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn chưa cung cấp đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu thì có quyền nộp bổ sung, và theo đó bị đơn sẽ được tòa án thông báo gửi bổ sung. Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án tại tòa án, từ khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện và cung cấp các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, phía bị đơn cũng phải được biết các chứng cứ do nguyên đơn cung cấp cho tòa án. Như vậy, tố tụng theo hướng tranh tụng mang tính chủ động trước hết của người tham gia tố tụng, sau đó mới nói đến người tiến hành tố tụng.

Từ thực tiễn cuộc sống, về hướng sửa đổi, bổ sung bộ luật TTDS sắp tới, pháp luật tố tụng cần quy định mở rộng về quyền để nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chủ động nhờ các tổ chức hòa giải chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp, theo sự lựa chọn của hai bên tổ chức cho các bên gặp nhau. Tại đó, các bên xem xét lại yêu cầu và quyền lợi ích của mình theo pháp luật để đi đến giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, thương lượng, hòa giải. Ðây là nguồn chứng cứ để các bên đưa ra khi tranh tụng tại phiên tòa, việc giải quyết vụ án sẽ nhanh chóng, đạt hiệu quả.

Quá trình xây dựng bộ luật TTDS (sửa đổi) lần này, cần quy định thủ tục tố tụng theo hướng quy định chi tiết các quyền trong TTDS, qua đó cá nhân, tổ chức, pháp nhân tự giác thực hiện các quyền tố tụng và nghĩa vụ tố tụng, phải có nghĩa vụ chứng minh, chấp nhận, hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Tương tự, bị đơn có nghĩa vụ chứng minh phản tố, từ đó không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Như vậy, chế định tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự sẽ phù hợp với tinh thần hiến pháp (sửa đổi).

(www.nhandan.com.vn)

Bài cùng chuyên mục
Back to top