Quyền của người sử dụng đất có quy hoạch bảo đảm

17/04/2023 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy

NGUYỄN XUÂN BÌNH (TAND tỉnh Bắc Ninh) - Sau khi nghiên cứu bài viết “vụ kiện hy hữu về một thửa đất có quy hoạch đường cắt đôi” của tác giả Thế Mỹ đăng ngày 12/4/2023, tôi có một số ý kiến trao đổi, đồng tình với phán quyết của tòa án...

Trong vụ án tác giả nêu và có đặt vấn đề trao đổi về việc giải quyết một thửa đất có quy hoạch đường cắt đôi. Qua nghiên cứu theo các dữ kiện bài viết cung cấp, tác giả đồng tình với phán quyết của Tòa án nhân dân thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang về việc “không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M, tạm giao phần đất ngoài sổ cho bà N.T.K.L quản lý và sử dụng”.

Trước hết, theo quy định tại khoản 7, 8 điều 49 luật đất đai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, sau đây gọi là luật đất đai):

“7. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.

“8. Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 7”.

Do vậy, cần khẳng định việc diện tích đất nằm trong quy hoạch thì quyền của chủ sử dụng đất vẫn được bảo đảm, pháp luật chỉ bị hạn chế một số quyền, tuy nhiên không hạn chế quyền chuyển nhượng đối với diện tích đất nằm trong quy hoạch mặc dù có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện hay chưa. Do đó, vụ án nêu trên ông M vẫn có thể chuyển nhượng toàn bộ 1881m2 đất.

Ngoài ra, trong diện tích đất 1881m2 năm 2012 ông M đã được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đoạn đầu và đoạn cuối thửa đất. Đoạn giữa thửa đất (diện tích hơn 275m2) thuộc quy hoạch giao thông nên ông M không được cấp giấy chứng nhận. Do đó về mặt pháp lý, toàn bộ thửa đất trên có đầy đủ giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của ông M.

Từ các căn cứ pháp lý nêu trên, cùng lời trình bày của những người làm chứng như trưởng ban khu phố, người dân xung quanh, và hành vi thực tế của ông M sau khi ông chuyển nhượng cho ông L có thể thấy ý chí của ông M là chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất 1881m2 (tọa lạc tại đường Cách mạng tháng 8, khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc nay là phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc).

Việc thừa nhận tính khách quan của giao dịch chuyển nhượng, tôn trọng ý chí của các chủ thể và các hành vi mà pháp luật không cấm trong giao dịch chuyển nhượng, cũng như bảo vệ quyền lợi của chủ thể nhận chuyển nhượng (trong vụ án này là ông L) là cần thiết, hợp lý, hợp tình.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận sự đóng góp của quý bạn đọc./.

(www.tapchitoaan.vn)

Bài cùng chuyên mục
Back to top