Tiền ảo và khía cạnh pháp lý của tiền ảo

26/10/2021 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy

1/ Tiền ảo và tiền điện tử:

a) Tiền ảo:

Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, theo đó các dịch vụ thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng. Các giao dịch thương mại điện tử phát triển đã góp phần mở rộng phạm vi các quan hệ thương mại và chủ thể tham gia vào quan hệ này không bị hạn chế và không phụ thuộc vào không gian và thời gian xác lập quan hệ. Trên cơ sở phát triển thương mại điện tử, tiền ảo ra đời giúp cho việc giao dịch, lưu chuyển tiền được thuận tiện, nhanh chóng và tốn ít thời gian hơn phương thức thanh toán truyền thống.

Giao dịch bằng tiền ảo phải thông qua hệ thống nối mạng Internet. Thanh toán và chuyển tiền ảo thông qua mạng Internet cho nên không cần phải thông qua bất kỳ một trung gian hay tổ chức tài chính nào. Giao dịch tiền ảo thông qua Internet, không qua bất kỳ một trung gian nào và không có ai kiểm soát, cho nên tiền ảo được lưu thông qua mạng Internet có quy mô rất lớn và được áp dụng trong phạm vi rộng. Vì vậy, trên thị trường hiện nay có hàng trăm loại tiền ảo, trong số hàng trăm này có những loại tiền ảo có tiềm năng, như tiền ảo Bitcoin, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto từ năm 2009, được xem là loại tiền ảo kỹ thuật số phân cấp dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Người sử dụng Internet có thể giao dịch tiền ảo Bitcoin. Bitcoin là một loại hàng hóa đặc biệt, người muốn sở hữu Bitcoin có thể mua nó bằng tiền thật và đợi chờ cơ hội nó sinh lợi nhuận. Bitcoin có những hữu ích nhất định, chủ sở hữu không những làm giàu, mà còn dùng nó để giao dịch tương tự như quẹt thẻ ngân hàng.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thừa nhận tiền ảo, có nhiều quốc gia kiên quyết cấm giao dịch bằng loại tiền ảo này.

Trung Quốc đã ra lệnh cấm Bitcoin, với đánh gía là loại tiền ảo này hàm chứa nhiều rủi ro. Tại Cộng hòa liên bang Nga, Văn phòng công tố liên bang Nga ban hành quy định, nghiêm cấm sử dụng tiền ảo Bitcoin cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác. Tại Việt Nam, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có văn bản cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Các tổ chức tín dụng không được sử dụng Bitcoin và các loại tiền tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế ở Viêt Nam việc mua bán, mở sàn trung gian giao dịch tiền ảo Bitcoin vẫn diễn ra phổ biến và nhiều người biết. Việc mua bán Bitcoin do nhiều chủ thể ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay chủ yếu nhằm vào các mục đích như đầu tư nhằm kiếm lợi nhuận một cách nhanh nhất, dự trữ để bán kiếm lời; có nhiều chủ thể đã dự liệu tiềm năng của loại tiền này trong tương lai mà tham gia giao dịch...

Không những ở Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia khác trên thế giới tuy sử dụng tiền ảo bị cấm, không được bảo vệ nhưng pháp luật cũng không có các biện pháp chế tài cụ thể đối với chủ thể khi sử dụng tiền ảo, các loại tiền điện tử khác không được thông qua kiểm soát của ngân hàng.

Tại Thái Lan, cũng cấm lưu hành Bitcoin và sử dụng Bitcoin, sau khi ngân hàng nước này xác định đây không phải là đơn vị tiền tệ có uy tín. Vì vậy, việc mua bán, gửi, thanh toán bằng Bitcoin từ bất kỳ chủ thể nào ngoài Thái Lan hoặc nhận từ các quốc gia khác đều bị nghiêm cấm.

Do thuộc tính “cơ động“ của Bitcoin, cho nên việc kiểm soát nó không đơn giản. Vì bất kỳ chủ thể sử dụng Bitcoin nào đều có thể tạo ra một “ví“ Bitcoin để lưu trữ. Chủ thể khi sử dụng được cung cấp một hoặc nhiều địa chỉ công khai để cho các chủ thể khác có thể gửi tiền vào địa chỉ đó. Các lưu trữ Bitcoin có tính bảo mật, được xác thực qua email và số điện thoại đăng nhập. Với những thuộc tính của tiền ảo Bitcoin, trong một chừng mực nhất định, nó cũng có những ưu điểm sau đây:

Thứ nhất, sử dụng Bitcoin thuận tiện trong giao dịch. Vì lưu thông Bitcoin không phải qua bất kỳ một khâu hay mắt xích trung gian nào. Sử dụng Bitcoin không có giới hạn, không phụ thuộc về không gian và thời gian khi lưu thông loại tiền ảo này.

Thứ hai, sử dụng tiền ảo Bitcoin được an toàn và bảo mật. Thông qua giao dịch tiền ảo Bitcoin đều được thực hiện và hoàn thành mà không cần bất kỳ thông tin nào về cá nhân, danh tính của người giao dịch được bảo mật.

Thứ ba, không thể bị làm giả, vì Bitcoin không thể hiện dưới dạng vật chất;

Thứ tư, chi phí giao dịch thấp. Vì không thông qua bất kỳ một khâu trung gian nào, chủ thể giao dịch chỉ phải thanh toán lệ phí xử lý giao dịch với khoản chi nhỏ;

Thứ năm, không gây ô nhiễm môi trường. Việc giao dịch được thông qua mạng Internet, hệ thống máy tính xử lý dữ liệu của tiền ảo Bitcoin, cho nên chi phí điện năng thấp.

Với những ưu điểm trên đây, việc sử dụng tiền ảo Bitcoin còn có những hạn chế như:

Thứ nhất, do có việc sử dụng tiền tệ, vàng, bạc là những “vật nhìn thấy, xác định được về cơ học“, cho nên tiền ảo chưa ăn sâu vào tiềm thức của chủ thể trong xã hội, nhiều chủ thể còn chưa có kiến thức về việc sử dụng tiền điện tử, cho nên không có ý định sử dụng nó trong giao dịch.

Thứ hai, sử dụng tiền ảo Bitcoin tương đối phức tạp vì phải thông qua thiết bị kỹ thuật máy tính, vì vậy không phải bất kỳ chủ thể nào cũng thành thạo sử dụng máy tính để thực hiện các giao dịch tiền ảo Bitcoin.

Thứ ba, do thuộc tính ẩn danh khi giao dịch tiền ảo Bitcoin, cho nên nguy cơ bị lạm dụng, bọn tội phạm có thể sử dụng để gây thiệt hại cho chủ thể sở hữu, có thể bị ăn cắp, bị lạm dụng để rửa tiền.

b) Tiền điện tử:

Tiền ảo và tiền điện tử có những yếu tố khác biệt và chúng không phải là một. Vì vậy, khi nghiên cứu về tiền ảo thì sự cần thiết cần phải phân biệt sự khác nhau giữa tiền ảo và tiền đện tử, để có căn cứ khi xác định các quyền và nghĩa vụ có liên quan đến tiền ảo và tiền điện tử trong giao dịch thương mại và dân sự.

- Tiền điện tử (e-money): Là biểu hiện kỹ thuật số (hình thức điện tử) của tiền pháp định được thể hiện để chuyển giao giá trị của đồng tiền pháp định thông qua phương thức điện tử. Tiền điện tử thể hiện giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng.

- Tiền ảo (virtural currency): Là biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng phương tiện trao đổi; là một đơn vị kế toán, lưu trữ giá trị, nhưng không phải là tiền pháp định tại một quốc gia nào. Tiền ảo không được phát hành, không được bảo đảm của pháp luật của quốc gia nào. Các chức năng của tiền ảo được xác định trên đây chỉ được thực hiện theo ý chí thỏa thuận của các chủ thể trong cộng đồng, những người sử dụng tiền ảo trong giao dịch.

Như vậy, sự khác biệt giữa tiền điện tử và tiền ảo ở những yếu tố, tiền điện tử (tiền pháp định) có sự bảo đảm từ phía nhà nước (do ngân hàng nhà nước phát hành), còn tiền ảo không được bảo đảm thực hiện bởi nhà nước, đồng thời cũng không được bảo đảm thực hiện từ bất kỳ tổ chức nào. Tiền điện tử có hình thức vật chất nhất định và tồn tại độc lập, còn tiền ảo luôn luôn phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số để tồn tại. Tiền điện tử và tiền ảo tuy rằng cùng tồn tại và phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số, nhưng tiền điện tử là hình thức điện tử của tiền pháp định (ví điện tử, tài khoản thanh toán qua thiết bị điện tử...). Tiền ảo cũng có hình thức kỹ thuật số, nhưng nó hoàn toàn không gắn liền với đơn vị tiền tệ pháp định nào. Vì vậy, tiền ảo không được đảm bảo khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định bởi các chủ thể phát hành hoặc quản lý nó và không có một tổ chức nào chịu trách nhiệm về những rủi ro cho một hoặc các bên chủ thể trong giao dịch liên quan đến tiền ảo.

Trên thực tế, việc chuyển từ tiền ảo thành tiền pháp định là giao dịch dân sự giữa các bên chủ thể như mua bán tài sản, hàng hóa. Quan hệ giao dịch liên quan đến tiền ảo tại các nước trên thế giới cũng chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ. Thực tế ở Việt Nam, tiền điện tử được điều chỉnh bằng pháp luật theo quy định tại luật giao dịch điện tử, nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng, nghị định số 101/2012/NĐ-CP, nghị định số 80/2016 về thanh toán không dùng tiền mặt, thông tư 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán.

Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới chưa chấp nhận tiền ảo là tiền tệ. Việc sử dụng tiền ảo Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự như Bitcoin làm phương tiện thanh toán không đươc pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Pháp luật cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự như Bitcoin như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Đặc biệt, theo nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định tiền ảo là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam và việc phát hành, sử dụng tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý theo nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

2/ Tiền ảo ở Việt Nam và những khía cạnh pháp lý:

a) Tiền ảo không thuộc loại tài sản nào:

Xét về góc độ tài sản, câu hỏi đặt ra là tiền ảo có phải là tài sản hay không phải là tài sản? Nếu là tài sản thì thuộc loại tài sản nào?

Căn cứ vào điều 105 bộ luật dân sự năm 2015 quy định về tài sản:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

3. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai“.

Tài sản trước hết là điều kiện vật chất để nuôi sống con người (lương thực, thực phẩm), tài sản còn là các vật chất khác do con người tạo ra, chiếm hữu được và sử dụng được nhằm để duy trì, bảo vệ cuộc sống và phát triển (nhà ở, tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng và các vật phẩm khác…).

Tài sản là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng phổ biến trong xã hội có nhà nước, có pháp luật, có tư hữu và các quyền và lợi ích của chủ thể đối với một đối tượng cụ thể, mà pháp luật quy định là tài sản.

Về tài sản, kể từ khi nhà nước dân chủ nhân dân ở nước ta được thành lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945 đến trước khi Bộ luật dân sự năm 1995 được ban hành, thì những quan niệm về tài sản được hiểu theo những quy định trong ba bộ luật thời thuộc Pháp: Bộ dân luật giản yếu Nam Kỳ năm 1883, Bộ dân luật Bắc kỳ năm 1931 và Bộ dân luật Trung Kỳ năm 1936 (Hoàng Việt Trong Kỳ).

Bộ luật dân sự năm 1995 quy đinh về tài sản tại điều 172, gồm: “Vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”.

Vật: Vật là một bộ phận của thế giới vật chất, không phải mọi vật của thế giới vật chất đều được coi là vật trong quan hệ pháp luật dân sự. Vật trong quan hệ pháp luật dân sự được coi là tài sản thì vật đó con người phải chiếm hữu được, phải chi phối được, xác định được về bề rộng, bề dài, chiều cao, cân, đong, đo, đếm được và xác định được theo sự tồn tại và chắc chắn phát sinh của nó. Sau nữa, con người phải khai thác được, sử dụng được nhằm đáp ứng các nhu cầu về vật chất hoặc tinh thần của mình.

Tiền: Về tiền trước hết cần hiểu tiền là Việt Nam đồng (VNĐ), do Ngân hàng nhà nước Việt Nam độc quyền phát hành, giá trị đồng tiền được ghi trên bề mặt đồng tiền, bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng và tiền được sử dụng rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ. Tiền có tính ổn định (ít khi đổi tiền). Tiền có các chức năng như trao đổi, thanh toán, dự trữ và xét về chủ quyền quốc gia thì tiền có chức năng bình ổn giá cả và giữ chủ quyền quốc gia. Khái niệm về tiền theo chuyên môn thì rất khác nhau, nhưng những yếu tố của tiền theo cách hiểu như trên là phù hợp với cách hiểu tiền là một loại tài sản hiếm.

Ngoại tệ (tiền của nước ngoài) được phép lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam phải quy đổi thành mệnh giá Việt Nam đồng.

Giấy tờ có giá: Khái niệm giấy tờ có giá không bao quát hết được các loại hóa đơn, chứng từ được sử dụng trong lĩnh vực thương mại, thương mại quốc tế. Đó là các vận đơn, các hóa đơn liên quan đến hàng hóa lưu kho, bãi hàng và thư tín dụng. Căn cứ vào pháp lệnh ngoại hối năm 2005 quy định tại điều 4, thì trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cố phiếu… là giấy tờ có giá.

Quyền tài sản: Là các quyền trị giá được bằng tiền, có thể chuyển giao được trong quan hệ pháp luật dân sự. Những quyền tài sản phổ biến ở Việt Nam hiện nay là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và quyền yêu cầu trả một khoản nợ, quyền đòi bồi thường thiệt hại.

b) Tiền ảo là tài sản ảo:

Những phân tích về tài sản tại phần trên về tài sản được bộ luật dân sự năm 2015 quy định đã được xác định. Về mặt lý luận, căn cứ vào những thuộc tính của tiền ảo, thì tiền ảo tạm gọi là tài sản ảo. Đề cập đến tài sản, cần thiết làm rõ vấn đề có tài sản ảo hay không có tài sản ảo?

Tài sản được hiểu là vật chất và các lợi ích vật chất nhằm phục vụ cho nhu cầu sống, phát triển của xã hội loài người. Mặt khác, tài sản còn là điều kiện để chủ thể sử dụng vào các quan hệ trao đổi tài sản, bồi thường thiệt hại. Vì vậy, tài sản phải tồn tại khách quan và theo khả năng của con người thì phải chiếm hữu, chi phối, kiểm soát được. Những tài sản ảo, con người không kiểm soát được theo khả năng, không xác định được các thuộc tính của nó, do vậy không thể dùng làm đối tượng của các quan hệ pháp luật dân sự. Hiện nay, pháp luật của tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam không thừa nhận một loại gọi là tài sản ảo. Căn cứ vào thuộc tính của tiền ảo, thì tiền ảo không thỏa mãn những yếu tố của một tài sản thông thường, cho nên việc bảo hộ tiền ảo trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam không nên đặt ra. Vì tiền ảo không thể xác định trên thực tế và không xác định rõ danh tính của các chủ thể sở hữu tiền ảo, cho nên về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến giao dịch tiền ảo có thể không thực hiện được. Căn cứ vào điều 105 bộ luật dân sự năm 2015, thì tiền ảo không thuộc một loại tài sản nào. Tuy nhiên, có thể hiểu tiền ảo là một loại tài sản khác? Tài sản phải thỏa mãn các thuộc tính của tài sản, nhằm xác định giá trị pháp lý của các quan hệ có đối tượng là tài sản, đồng thời là căn cứ để xác định các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý phát sinh từ các quan hệ tài sản có đối tượng là tài sản. Xác định nghĩa vụ của một hoặc các bên chủ thể trong giao dịch dân sự chuyển giao tài sản hay bồi thường thiệt hại về tài sản. Theo đó phương thức kiện đòi lại tài sản hay kiện đòi bồi thường thiệt hại về tài sản được áp dụng. Tiền ảo không thỏa mãn các đặc điểm của tài sản.

Khi xác định tiền ảo là một loại tài sản hay không được xem là một loại tài sản, tác giả đã viện dẫn và phân tích tại phần trên và có kết luận pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận tài sản ảo, theo đó tiền ảo cũng không được pháp thừa nhận là một loại tiền tệ và nó không phải là tài sản. Vì những lý do sau:

- Các giao dịch thương mại hay dân sự thanh toán bằng Bitcoin mang tính chất ẩn danh, chủ thể của quan hệ không xác định được danh tính và chủ thể của các bên quan hệ không biết rõ về nhau, mà chỉ thông qua mạng Internet. Vì vậy, khi có hành vi xâm phạm lợi ích của nhau thông qua giao dịch bằng tiền ảo Bitcoin, thì bên có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm sẽ được giải quyết như thế nào, khi mà bên chủ thể vi phạm cố ý ẩn tích và lẩn trốn trên mạng Internet? Ngoài ra, do tính ẩn danh cao cho nên việc sử dụng Bitcoin trong giao dịch có thể bị lạm dụng là phương tiện cho tội phạm rửa tiền, buôn bán hàng cấm, trốn thuế và mua bán, trao đổi những tài sản phi pháp khác.

- Thuộc tính của Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên có nhiều nguy cơ bị xâm phạm, bị chiếm đoạt, bị thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn. Vì vậy, giao dịch bằng Bitcoin có nhiều nguy cơ bị lạm dụng, bị chiếm đoạt mất tài sản là khoản tiền do các thành viên của mạng lưới Bitcoin góp vào, nhưng chưa có cơ chế bảo vệ vì nhà nước không thừa nhận quan hệ giao dịch này.

- Do không có cơ quan giám sát, không có cơ quan trung gian, quan hệ sử dụng Bitcoin tự do, tự phát theo một quy ước giữa các bên chủ thể tham gia giao dịch không công khai, do giá trị Bitcoin biến động mạnh theo thời gian hoạt động ngắn nên ẩn chứa nhiều nguy cơ bong bóng, nhà đầu tư không lường trước được những rủi ro tiềm ẩn trong giao dịch, bị thiệt hại về tài sản mà không đươc bảo vệ bằng các cơ chế pháp lý. Ngược lại, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào, do vậy chủ sở hữu Bitcoin tự chịu toàn bộ rủi ro.

Với những rủi ro trên đây của Bitcoin, cho nên trên thế giới nhiều quốc gia đã có những thông báo không thừa nhận Bitcoin là một phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho chủ thể sử dụng Bitcoin như: Thái Lan, Cộng hòa liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Nauy… đều không thừa nhận Bitcoin là một loại tiền tệ hợp pháp.

Ở Việt Nam, theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, việc đầu tư vào Bitcoin bắt đầu có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Nhưng trên thực tế, việc sở hữu Bitcoin và khai thác nó tại Việt Nam là rất ít, mà chủ yếu mua qua một số sàn giao dịch. Nhận rõ thực trạng việc sử dụng Bitcoin tại Việt Nam, Ngân hàng nhà nước Việt Nam thể hiện quan điểm căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, thì Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không thể lấy làm phương tiện thanh toán và pháp luật không thừa nhận Bitcoin là tiền tệ.

Trong những tháng trở lại đây, ở Việt Nam trên diễn đàn Onecoin liên tục đăng tải, quảng bá giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số Onecoin (tiền ảo), lan rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố. Với lợi nhuận quảng cáo về lãi suất lên đến 1000%. Mỗi gói đầu tư đồng tiền ảo này trị giá lên đến hàng trăm ngàn EUR, được chia nhỏ ra để nhiều người tham gia. Với quảng cáo này, nhiều cá nhân tham gia bằng cách dùng tiền thật để mua các gói tiền ảo và hy vọng trở lên giàu có trong một thời gian ngắn. Hiện tượng quảng bá tiền ảo và sử dụng tiền ảo trong giao dịch trên mạng Internet trong mấy tháng (năm 2017) trở lại đây là một hiện tượng bất thường, khác thường và chưa từng có bất kỳ một lĩnh vực kinh doanh tiền tệ nào ở Việt Nam lại có lãi suất cao ngất ngưởng và nhanh đến thế!

Người chơi được hưởng tiền lãi, không hề biết rằng số tiền gọi là lãi này được trích ra từ tiền của người gửi sau, trả cho người gửi trước (tương tự như tham gia mua hàng đa cấp). Phương thức này, bên bán không có gì để bán, mà vẫn là bên bán hàng và thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ theo nguyên tắc “lấy mỡ khách hàng trước, rán khách hàng sau” và cứ như vậy cho đến khi còn khách hàng tham gia mua tiền ảo! Dùng tiền ảo để làm một loại hàng hóa ảo thu tiền thật, mà bản thân chủ thể tham gia không hề hiểu bản chất của hệ thống tiền ảo này được tổ chức như thế nào và ai là chủ thể bán hàng ảo đó? Cách chơi này cùng bản chất với quan hệ tín dụng đen, đánh vào tâm lý hám lợi của người tham gia mua tiền ảo!

Chủ thể bán hàng ảo không được xác định, khả năng tài chính của người bán không được chứng minh, không có cơ quan nào giám sát, các chủ thể sử dụng một loại tiền ảo không hề biết lãi suất mà mình được hưởng từ nguồn sản xuất nào? Tiền ảo không được pháp luật công nhận là tiền tệ và không có giá trị trong thanh toán ngoài những người tham gia giao dịch tiền ảo với nhau. Lãi suất “bong bóng” càng bay cao khi có nhiều chủ thể mang tiền thật ngày mỗi ngày nối thành sợi dây cho mạng lưới tiền ảo. Thuộc tính bong bóng do tiền ảo tạo ra càng vô hình thì chủ thể ẩn danh bán cái không có, nhưng lại thu về tiền thật, tài sản thật của các chủ thể mua cái không có thật đó. Thật bất thường, nhưng có logic triết học của nó vì có cầu thì có cung, đáp ứng kịp thời và không có giới hạn của sự hám lợi của chủ thể mua tiền ảo bằng tiền thật. Tính chất bong bóng của tiền ảo Bitcoin thể hiện ở những yêu tố sau:

- Tiền ảo là một khái niệm mới, bản thân tiền ảo cũng mới. Vì nó là một hệ thống thanh toán số cho phép người nắm giữ nó sử dụng không phụ thuộc vào không gian và thời gian để thực hiện giao dịch trực tiếp, do không có sự giám sát, kiểm tra của bất kỳ bên thứ ba nào, không có sự can thiệp của nhà nước, cơ quan trung gian, ngân hàng.

- Do tính vô hình của tiền ảo, không xác định được và chỉ thông qua mạng Internet được che đậy trong một chiếc hộp bí mật (ảo ảnh), các chủ thể tham gia giao dịch tiền ảo đều không được xác định về danh tính (vô danh), không nơi cư trú và rất nhiều yếu tố không có để có thể xác định chủ thể đó là ai? Hơn nữa, nguồn gốc để tạo ra tiền ảo cũng là một bí mật, không công khai. Sự mơ hồ về nhà sáng lập là Satoshi Nakamoto, những thông tin về cá nhân này không hề bộc lộ, tên người hay tên tổ chức hay tên địa danh hay tên quy ước không có thật?

- Tiền ảo Bitcoin không sở hữu giá trị nào khác ngoài thứ mà người mua sẵn sàng chi trả theo đó mọi thang gía đều phù hợp với khả năng tài chính của người mua, do sự hấp dẫn của lãi suất được hứa hẹn và khoản tiền do người bán tiền ảo thu về của người mua trích lại để làm tin.

Tiền ảo là vô hình, chỉ được thể hiện bằng hình ảnh ảo trên mạng Internet dưới dạng hình ảnh điện tử, chủ thể của tiền ảo không xác định là cá nhân hay tổ chức hay một nhóm người cụ thể và chủ thể mua tiền ảo, chủ thể tham gia giao dịch tiền ảo không bộc lộ danh tính. Như vậy, quan hệ tiền ảo chỉ được xác định bên bán và bên mua với giá cả cụ thể, mà chỉ người bán và người mua được biết, nhưng họ chỉ biết giá trị giao dịch, mà không biết và không cần biết danh tính của nhau. Quan hệ giữa bên mua và bên bán tiền ảo được bảo mật và không được pháp luật bảo hộ. Tính rủi ro phát sinh từ phương thức giao dịch này là rất lớn. Vì bên mua thanh toán bằng tiền thật, còn bên bán lại bán ra thứ tiền ảo, không cầm nắm được mà lại được lưu giữ trên mạng điện tử có mã số bảo mật. Mã số bảo mật này luôn luôn bị tấn công và có thể bi bộc lộ, bị chiếm đoạt bởi những người rất giỏi về sử dụng máy tính. Hơn nữa, giá trị ảo trên mạng còn có thể bị thay đổi bởi người sử dụng Internet ra lệnh sai về mã số. Tài khoản có thể bị mất, mà không có cơ quan nào bảo vệ, lợi ích của chủ thể là bên mua có thể bị xâm phạm, bị mất trắng.

Với phương thức mua bán tiền ảo và chi trả lãi suất cho bên mua tiền ảo trên đây, đã có sức hút mạnh mẽ, càng kích thích người tham gia giao dịch tiền ảo. Số lượng người tham gia giao dịch tiền ảo có thể tăng lên và có thể không tăng đáng kể theo từng ngày, tháng theo đó lãi suất tăng lên hay không tăng lên so với những đợt giao dịch mua bán tiền ảo ban đầu. Lãi suất giao dịch tiền ảo được trích ra từ khoản tiền của người mua tiền ảo sau, trả lãi cho người mua tiền ảo trước và cứ thể cho đến khi nào không còn người mua tiền ảo nữa thì lãi suất có thể được điều chỉnh lại hoặc giữ nguyên mức lãi suất của đợt bán tiền ảo cuối cùng, mà người bán thu được. Lãi suất từ giao dịch tiền ảo là người nọ hưởng tiền của người kia và không vượt ra ngoài phạm vi tổng giá trị tiền thu về từ người mua mà bên bán tiền ảo thu được.

Số tiền còn lại sau mỗi đợt bên bán tiền ảo thu được sau khi đã trích một phần để trả lãi suất cho bên mua, bên bán có dùng khoản tiền này để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để thu lợi nhuận hay không, thì không thể xác định được, vì nhà nước không thể kiểm soát. Với phương thức này, nhiều phần tử xấu trong xã hội có thể lợi dụng giao dịch tiền ảo để thu về những khoản tiền lớn, hoặc lợi dụng giao dịch này để rửa tiền, tích lũy tiền dùng vào những mục đích không có lợi cho kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự xã hội hoặc gây rối thị trường.

Với những tính chất của tiền ảo Bitcoin như đã phân tích trên đây, thì ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay chưa thể thừa nhận tiền ảo là một loại tiền tệ, một loại tài sản.

PGS.TS. Phùng Trung Tập

(Trường Đại học luật Hà Nội)

Bài cùng chuyên mục
Back to top