23/01/2022 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy
(kiemsat.vn) Với trường hợp có hai hay nhiều đương sự không cùng một vụ án yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với một tài sản, thì tòa án có căn cứ nào để áp dụng không?
Trong quá trình giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 điều 111 bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì chỉ có những cá nhân, cơ quan tổ chức sau đây mới có quyền yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại điều 114 bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS): Đương sự, người đại diện hợp pháp của họ; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân gia đình theo quy định của luật hôn nhân và gia đình; tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật; tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của luật bảo vệ người tiêu dùng; cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật; cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của luật hôn nhân và gia đình. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại điều 135 bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, gồm: Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.
Mục đích của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan đến vụ án được tòa án giải quyết và cần phải giải quyết ngay, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của đương sự, nhằm để bảo vệ chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được, để bảo toàn tình trạng hiện đang có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng hiện có liên quan đến vụ án được tòa án giải quyết; để bảo đảm thi hành án tức là làm cho chắc chắn các điều kiện để khi bản án quyết định của tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.
Trong quá trình kiểm sát đối với các quyết định áp dụng, biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án cùng cấp nhận cho thấy thực tế còn có vướng mắc đối với trường hợp có hai hay nhiều đương sự không cùng một vụ án yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với một tài sản thì được giải quyết như thế nào? Tòa án có thẩm quyền áp dụng hay không luật chưa quy định rõ, trong khi đương sự là người có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nếu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này theo yêu cầu của các bên đương sự thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan thi hành án trong việc tổ chức thi hành quyết định khẩn cấp tạm thời vì phải thi hành hai hay nhiếu quyết định thi hành án đối với cùng một tài sản.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án đã ra quyết định phong tỏa hai lần đối với một tài sản. Theo điều 142 BLTTDS năm 2015 quy định: “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự” thì phong tỏa hai lần cùng một tài sản chi cục thi hành án không thể thực hiện được.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Đương sự có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Vì vậy, trong trường hợp này tòa án vẫn phải áp dụng biện pháp phong tỏa đối với tài sản đã yêu cầu trước đó.
Thiết nghĩ, liên ngành tư pháp trung ương cần có hướng dẫn, để tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, đảm bảo cho việc thực thi pháp luật được thống nhất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(24/8/2018)